Cô Peacock-Smith cho rằng thách thức lớn nhất đối với nhân viên y tế là cân bằng việc gián cách xã hội sao cho phù hợp với văn hóa địa phương. Nguồn: World Health Organisation

 

 

Các nhân viên hỗ trợ nhân đạo đầu tiên của Úc đã được đưa đến ngoại quốc, sau khi hơn phân nửa trước đó đã được di tản về Úc do đại dịch COVID-19. Họ sẽ hỗ trợ thực hiện truy dấu tiếp xúc, cũng như đào tạo các nhân viên y tế tại địa phương cách sử dụng và làm sạch đồ bảo hộ, để giúp bảo vệ họ khỏi rủi ro lây nhiễm bệnh.

 

Nhà nghiên cứu dịch tễ Chiedza Machingaidze đến từ Melbourne, đã hạ cánh xuống Papua New Guinea, nơi mà cô sẽ cố vấn đội truy dấu tiếp xúc các ca COVID-19.

 

“Tôi làm việc chặt chẽ với đội kiểm soát ở đây tại Trung tâm Quản lý Quốc gia và làm việc với những người thực hiện việc điều tra ca nhiễm bệnh, và làm việc với các nhóm thực hiện kiểm tra định kỳ đối với các trường hợp tiếp xúc gần trong thời gian 14 ngày tự cách ly.”

 

Machingaidze là một nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm. Và đối với cô, khoảng thời gian làm việc từ nhà trong suốt ba tháng khiến cô cảm thấy bức bối.

 

“Tôi đã chứng kiến từ khi đợt bùng phát dịch bệnh bắt đầu cho đến khi nó lên đỉnh điểm, và tôi phải làm việc từ nhà. Tôi yêu công việc, yêu việc mà tôi làm, và do đó tôi rất hào hứng được trở lại ra ngoài kia”.

 

Còn đối với nữ y tá Abby Peacock-Smith đến từ Sydney, quyết định quay trở lại đây trong thời điểm này là điều không dễ dàng.

 

“Tôi nghĩ khi mà bạn đến làm việc ở những khu vực có khủng hoảng, hoặc các môi trường đầy thách thức hoặc một hoàn cảnh khác, bạn thực sự trân trọng một mái nhà ổn định, biết rằng nhà của bạn ở đó và dù cho điều gì xẩy ra bạn sẽ có thể quay về một cách dễ dàng. Và tôi nghĩ để có thể rời Úc lúc này, khi mà bạn biết rằng không dễ để có thể lên máy bay trở về khi bạn cần, nó khiến bạn lo lắng.”

 

PNG cho tới nay chỉ có 11 ca nhiễm virus, thế nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia này không đối diện với thách thức.

 

“Chính phủ ở đó đã hành động rất nhanh chóng với nhiều biện pháp giới hạn. Và tôi nghĩ có nhiều lo lắng rằng họ sẽ phải mở cửa trở lại và liệu số ca nhiễm bệnh sẽ tăng lên nhiều. Tôi nghĩ điều đó ảnh hướng đến nhiều người bởi vì ở PNG, nhiều người kiếm tiền và hỗ trợ gia đình bằng các cách rất đơn giản, như buôn bán nhỏ, do đó khi mà các lệnh giới hạn được đưa ra nó khiến nhiều người bị tác động mạnh.”

 

Cô Peacock-Smith cho hay thách thức lớn nhất đối với các nhân viên y tế tại quốc gia này đó là cân bằng các biện pháp gián  cách xã hội với đặc điểm văn hóa địa phương.

 

“Tôi nghĩ các giới hạn giữ khoảng cách đi ngược lại với rất nhiều thứ được coi là nền tảng văn hóa của Papua New Guinea qua hàng thế kỷ. Họ quen với việc có những tụ họp gia đình lớn, những cuộc hội hè trong các gia đình và cộng đồng, họ quen với các liên kết xã hội mạnh mẽ”.

 

"Và do đó để yêu cầu họ không làm những điều trên, nó thực sự khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi đó là cố gắng thuyết phục ai đó phải ở nhà và cách ly, trong những cộng đồng với những hộ gia đình có tới 12, 14, 20 người và thậm chí là hơn thế nữa.”

 

Abby Peacock-Smith và Chiedza Machingaidze nằm trong số các nhân viên y tế được đưa đến các quốc gia khu vực Thái Bình Dương do Bộ Ngoại giao tài trợ.

 

Một phát ngôn nhân nói với SBS News cho biết, 280 triệu đô-la đã được chuyển từ một chương trình phát triển quốc tế hiện có để cung cấp sự ứng phó ngay lập tức chống lại COVID-19.

 

Úc đã phân phối khoảng 170,000 trang thiết bị y tế cho các đảo quốc Thái Bình Dương, bao gồm máy thở, khẩu trang, máy đo nhiệt độ và các bộ dụng cụ xét nghiệm.