Các chuyến bay khởi hành được hiển thị trên bảng thông báo khởi hành của Sân bay Canberra tại Canberra, Thứ năm, ngày 7 tháng 9 năm 2023. (Ảnh AAP/Lukas Coch) Nguồn: AAP / LUKAS COCH/AAPIMAGE

 

 

 

Chính phủ liên bang đang tiến hành kiểm tra các hành vi tiếp thị không công bằng như phí ẩn và các dịch vụ đăng ký khó hủy mà hiện chưa bị cấm theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng. Các doanh nghiệp như phòng tập gym, hãng hàng không, công ty bán lẻ trực tuyến và công ty bán vé đang nằm trong tầm ngắm.

 

Những cái bẫy đăng ký và các khoản phí ẩn được thêm vào trong suốt quá trình thanh toán - đó là điều mà nhiều người đã buộc phải chấp nhận như một chuyện bình thường.

“Tôi nghĩ điều này hơi bất công, nhưng cuối cùng thì họ nắm quyền và bạn chẳng thể làm gì được.”

 

 

Một trong những ví dụ về chiêu trò này là định giá động, khi giá của các sản phẩm như vé xem hòa nhạc bị đẩy cao dựa trên nhu cầu.

 

Các hành vi lừa đảo trực tuyến cũng bao gồm việc đặt giới hạn thời gian cho các giao dịch mua nhằm gây áp lực lên khách hàng.

 

Rosie Thomas, phát ngôn viên của nhóm bảo vệ người tiêu dùng CHOICE, cho biết đây là những hành vi kinh doanh không công bằng, lợi dụng khách hàng.

“Người tiêu dùng vô cùng bức xúc trước hàng loạt chiêu trò tinh vi mà các doanh nghiệp sử dụng để lừa chúng ta chi nhiều tiền hơn. Từ những gói tập gym khó hủy bỏ, giá vé trực tuyến biến động, cho đến những ô được tự động đánh dấu trước tại bước thanh toán mà đôi khi bạn không để ý. Tất cả đều là những hành vi kinh doanh không công bằng.”

 

Hiện nay, chính phủ liên bang đang tiến hành các biện pháp để biến những chiêu trò này trở thành bất hợp pháp.

 

Tuy nhiên, dữ liệu từ nhóm bảo vệ người tiêu dùng cho thấy một trong mười người Úc đã nghĩ rằng các luật này vốn đã có sẵn.

 

Những quy định tương tự đã giúp kiểm soát các doanh nghiệp tại Anh, châu Âu và Mỹ.

 

Thủ tướng Anthony Albanese cho biết ông sẵn sàng khai triển loại luật này tại Úc.

“Chúng tôi muốn bảo đảm tính minh bạch và loại bỏ những hành vi không công bằng và các giao dịch gian lận. Đó là lý do chúng tôi đang cung cấp thêm nguồn tài trợ cho ACCC và sẵn sàng ban hành luật mới. Đây là một phần trong nỗ lực giảm bớt chi phí sinh hoạt cho người dân Úc.”

 

Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không mang lại sự nhẹ nhõm ngay lập tức cho những người bị ảnh hưởng bởi các chiêu trò trên, vì Bộ Ngân khố liên bang đang được giao nhiệm vụ soạn thảo kế hoạch cùng với các bang và vùng lãnh thổ.

 

Thứ trưởng Ngân khố liên bang, ông Stephen Jones, cho biết dự thảo luật dự kiến sẽ hoàn thiện trong nửa đầu năm sau.

“Các doanh nghiệp không cần phải chờ chính phủ thay đổi luật, họ có thể thay đổi cách làm ngay lập tức. Việc tăng giá đột biến không phải là điều bắt buộc, đó là lựa chọn của họ. Những cái bẫy đăng ký, đó cũng không phải là điều cần thiết, mà là lựa chọn của họ. Việc tăng giá nhỏ giọt cũng vậy - không phải là điều bắt buộc, mà là quyết định của doanh nghiệp. Những điều này không công bằng với người tiêu dùng và cần phải chấm dứt.”

 

Nhưng trước khi các quy định mới được ban hành, bà Thomas cho biết người tiêu dùng vẫn có thể lên tiếng tố cáo các chiêu trò gian lận thông qua các nhóm vận động hoặc thậm chí trên mạng xã hội.

“Chúng tôi luôn khuyến khích người tiêu dùng thông báo cho CHOICE nếu họ phát hiện các hành vi kinh doanh không công bằng. Họ cũng có thể lên tiếng trên mạng xã hội vì đôi khi việc bị công khai chỉ trích là tất cả những gì cần thiết để các doanh nghiệp suy xét lại cách làm của mình và thay đổi hành vi.”