Hình ảnh mang tính miêu tả. Nguồn: PA Wire
Phụ nữ di cư và tị nạn có nguy cơ bị xác định nhầm là kẻ gây hấn trong các vụ bạo hành gia đình cao hơn gấp ba lần so với những người sinh ra ở Úc. Một báo cáo gần đây của Trung tâm Đa văn hóa InTouch Chống Bạo hành Gia đình nêu bật những thay đổi mang tính hệ thống cần thiết để giảm khả năng nó xảy ra.
Saira, nhân vật đã được đổi tên, biết mối quan hệ của cô với chồng rất tồi tệ, ngay cả trước khi cô chuyển đến Úc.
Nhưng cô không nhận ra rằng sự ngược đãi về tài chính, tình cảm và tình dục mà cô phải chịu đựng dưới tay anh ta bị coi là lạm dụng.
"Thành thật mà nói, đối với tôi, lạm dụng thể xác là sự lạm dụng duy nhất. Tôi chưa bao giờ biết tất cả những thứ khác cũng bị coi là lạm dụng. Tôi nghĩ đây là những vấn đề có thể được giải quyết giữa vợ và chồng theo thời gian."
Sống ở nước ngoài, không có việc làm và bị chồng theo dõi mọi hành tung của mình, Saira bị cô lập về mặt thể chất và xã hội.
"Tôi bị sẩy thai hai lần, và trong suốt thời gian đó, anh ta muốn tôi quan hệ tình dục với anh ta. Điều đó thật đau đớn. Anh ta không để tôi ngủ dù chỉ một giờ. Anh ta hành hạ tôi. Và nếu tôi khóc, trong thời gian đó, anh ta sẽ động chạm vào cơ thể để xem tôi có khóc hay không, ngay cả trong đêm."
Sau khi đã tiêu hết tiền để làm visa và lo sợ rằng gia đình ở Ấn Độ sẽ đổ lỗi cho cô về việc hai vợ chồng rạn nứt mối quan hệ, Saira quyết định tự mình giải quyết mọi việc.
Việc đó diễn ra khi chồng cô bắt đầu hạn chế việc ăn uống của cô và rút hết tiền từ tài khoản chung của họ.
"Tôi đã rất tức giận và nhiều chuyện xảy ra trong thời gian này. Tôi rất buồn và không biết phải làm gì. Tôi chỉ hỏi anh ta rằng 'anh có muốn em chết đói không? Đó có phải là mục đích của anh không?
Vấn đề trở nên lớn khi anh ta bắt đầu nói 'cô là nô lệ của tôi, cô phải làm mọi thứ theo ý tôi'. Theo đúng nghĩa đen, anh ta đang đứng trên đầu tôi và hét lên như điên dại."
Saira gọi điện cho cảnh sát để yêu cầu họ cảnh báo chồng cô, nhưng cảnh sát nói rằng họ không thể đến nhà cô để đánh giá tình hình và gọi lại cho cô bốn giờ sau đó.
Giữa hai cuộc gọi, cô và chồng đã xô xát và anh ta đệ đơn trình báo cảnh sát kiện cô, nói rằng anh ta là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Tiến sĩ Ellen Reeves là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ của Trung tâm Phòng chống Bạo hành Gia đình và Giới tại Monash.
Bà nói rằng việc xác định nhầm ai là nạn nhân, ai là kẻ gây hấn trong các vụ bạo hành gia đình không phải là điều bất thường.
“Thực sự rất khó để biết được mức độ phổ biến chính xác của vấn đề này, đặc biệt là vì hệ thống pháp luật thường không ghi lại điều này, vì vậy chúng tôi không có dữ liệu.”
Nhưng một số thống kê gần đây từ Tổ chức Giám sát Cải tổ Bạo hành Gia đình thực hiện cho thấy từ 6,7% đến 48% tất cả phụ nữ được liệt kê là người tấn công, họ bị xác định sai, vì vậy nó thực sự phổ biến.
Và Djirra, một dịch vụ hỗ trợ thổ dân ở Victoria, ước tính rằng 90% khách hàng của họ bị nhầm là kẻ bạo hành, con số rất lớn."
Bà nói rằng nó có nhiều khả năng xảy ra với một số nhóm nạn nhân sống sót hơn những người khác.
"Những phụ nữ có nguy cơ bị nhận dạng sai cao hơn là phụ nữ thuộc nhóm thổ dân, phụ nữ di cư và tị nạn, phụ nữ khuyết tật hoặc có các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra còn có những yếu tố căn bản, chẳng hạn như sử dụng ma túy và rượu, có tiền án tiền sự trước đây với cảnh sát. Việc sử dụng vũ lực của phụ nữ, thường diễn ra trong bối cảnh tự vệ hoặc trả đũa."
Một đánh giá gần đây từ Trung tâm đa văn hóa inTouch chống bạo hành gia đình, nơi giúp đỡ phụ nữ có nguồn gốc tị nạn và di cư, cho thấy một phần ba khách hàng của họ bị xác định nhầm là thủ phạm.
Giám đốc điều hành, bà Michal Morris cho biết một yếu tố có thể gây ra kết tội sai là khi một cặp vợ chồng được phỏng vấn mà không có thông dịch viên.
“Rào cản ngôn ngữ rất quan trọng, khi chúng ta từng trải qua bạo hành gia đình, chúng ta có quyền được kể câu chuyện của mình theo cách chúng ta muốn.”
Đôi khi việc này quá khó và không xảy ra, nhưng nó có thể xảy ra, vì vậy chúng tôi mong cảnh sát đưa ra quyết định vào thời điểm mà họ không thể thu thập được tất cả các sự kiện."
Bà Morris nói rằng một vấn đề khác là văn hóa thiếu ý thức của cảnh sát.
"Một trong những điều mà chúng tôi nhận thấy ở nhiều khách hàng đến với inTouch là họ phải đối mặt với sự hung hăng hoặc trạng thái cảm xúc được cho là bạo lực, đặc biệt là khi họ không nói tiếng Anh. Vì vậy họ sẽ bị coi là những kẻ gây hấn chính."
Bà nói rằng số lượng nạn nhân chọn tiết lộ cho cảnh sát cũng có thể là một yếu tố góp phần vào việc xác định sai kẻ bạo hành.
"Chúng tôi biết rằng đối với nhiều phụ nữ đang có thị thực tạm thời, họ sẽ miễn cưỡng khai mọi chuyện với cảnh sát. Họ có thể giữ lại một số thông tin vì họ tin rằng họ có thể bị đuổi ra khỏi nước Úc trong tương lai."
Tiến sĩ Ellen Reeves cho biết hậu quả của việc xác định sai ai là người bạo hành rất rộng lớn và thay đổi cuộc sống của nạn nhân. Cụ thể, họ mất quyền chăm sóc con cái hoặc gặp vấn đề với thị thực của mình.
"Cũng có những tác động đến việc làm và học hành. Tôi biết một phụ nữ đang học để trở thành y tá. Và cô ấy thực sự lo lắng rằng sẽ không kiếm được việc làm khi tốt nghiệp vì tiền án này hoặc tội hình sự, cuối cùng cô ấy đã bỏ dở việc học của mình."
Tiến sĩ Ellen Reeves nói rằng họ cũng thường mất niềm tin vào hệ thống tư pháp của Úc.
"Điều này thực sự quan trọng, bởi vì khi kết án sai một nạn nhân, nhu cầu an toàn của chính họ không được thừa nhận, và họ có nguy cơ bị tái lạm dụng. Nhưng tại sao ta lại gọi cảnh sát, khi ta có thể bị quy tội là kẻ gây hấn? Không có gì trong trải nghiệm này chỉ ra cho họ biết rằng cảnh sát ở đó để giúp họ."
Một trong những khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia Victoria về Bạo hành Gia đình vào năm 2016 là hướng dẫn cải tiến được đưa ra cho cảnh sát để nhận ra ai là kẻ gây hấn chính và ai là nạn nhân.
Tiến sĩ Reeves cho biết trong khi điều này được triển khai, nghiên cứu cho thấy nó không thực sự thay đổi bất cứ điều gì.
"Có rất nhiều rủi ro với cảnh sát khi họ biết rằng họ phải chọn một bên, họ không có ý định thực hiện các kiểm tra chéo nữa. Vì vậy họ chỉ đưa ra quyết định đó và giả định rằng tòa án sẽ giải quyết.
Trong phòng xử án, cũng tồn tại một số vấn đề. Tôi nghĩ tòa án không thực sự hoạt động như một mạng lưới an toàn cho phụ nữ, bởi vì phụ nữ bị áp lực phải chấp nhận các lệnh buộc tội họ."
Tiến sĩ Reeves nói rằng có những dấu hiệu tích cực về cải tổ ở các khu vực pháp lý khác, New South Wales và Queensland đang xem xét việc cải tộ hình sự hóa việc kiểm soát cưỡng chế.
“Ở Tasmania, WA, Nam Úc, tôi nghĩ rằng các cuộc trò chuyện đang được diễn ra, nhưng xét về khía cạnh chính phủ thực sự trực tiếp phản hồi và cơ quan thực thi pháp luật phản ứng với nó, tôi nghĩ vẫn còn một chặng đường dài phía trước.”
Một phần của vấn đề là nó đã được xây dựng dựa trên những gì mà hầu hết các tiểu bang đang cố gắng thực hiện, trong điều kiện thay đổi văn hóa lâu dài trong lực lượng cảnh sát và hệ thống pháp luật."
Lauren Calloway là Trợ lý ủy viên về Bạo hành Gia đình của Cảnh sát Victoria.
Cô nói trong một tuyên bố rằng với bản chất phức tạp của nhiều vụ bạo hành gia đình, cảnh sát cần điều tra kỹ hơn để hiểu toàn bộ câu chuyện.
"Chúng tôi cam kết giải quyết các vấn đề góp phần xác định sai những kẻ gây hấn, vì chúng tôi biết tác động của nó đối với các nạn nhân. Cảnh sát Victoria đặc biệt lo ngại về tác động của việc kết tội sai đối với các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi.
Chúng tôi biết nguy cơ kết tội oan sẽ tạo ra rào cản giao tiếp và sự thiếu tin tưởng vào cảnh sát. Một trong những ưu tiên của chúng tôi là xem xét các cơ hội để cải thiện cách làm việc của cảnh sát đối với tình trạng bạo hành phụ nữ và trẻ em trong các cộng đồng ưu tiên của chúng tôi."
Một báo cáo gần đây của inTouch nêu ra năm thay đổi mang tính hệ thống mà họ cho rằng cần thiết ở Victoria để giảm tình trạng kết tội oan cho nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình.
Michal Morris nói rằng chúng phần lớn liên quan đến việc giải quyết các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ mà nạn nhân có nguồn gốc di cư và tị nạn có thể phải đối mặt.
"Chúng tôi hiểu rằng trong trường hợp cảnh sát đưa ra một tình huống, họ có thể không thể có dịch viên tại thời điểm đó, do đó sẽ không có quyết định xoay quanh ai là kẻ gây hấn chính cho đến khi cả hai bên đã có cơ hội có thông dịch viên để kể câu chuyện của họ.
Cảnh sát của chúng tôi cần được đào tạo để nhận thức văn hóa tốt hơn, bởi vì tôi nghĩ rằng chúng tôi có kinh nghiệm phản ứng với chấn thương, và chúng tôi kết luận nạn nhân dựa trên văn hóa của mình, và họ có thể suy diễn không chính xác."
Cô nói rằng trong trường hợp liên quan đến một người nào đó thuộc nhóm có nguy cơ bị kết tội oan, cần thực hiện các bước bổ sung sớm trong cuộc điều tra.
"Cách tốt nhất để khắc phục vấn đề này là ngay từ đầu và không cố nên cố giải quyết nó ở giai đoạn cuối khi chúng ta đang thay đổi hồ sơ tòa án, hồ sơ cảnh sát và hồ sơ Bảo vệ trẻ em.
Việc này thực sự cần có nhiều hệ thống hơn để đánh giá, nhiều kỹ năng hơn để cảnh sát đưa ra đánh giá đúng, nhiều kiểm tra cân bằng hơn để đảm bảo những đánh giá này chính xác trước khi nó được hoàn thiện trong hệ thống. Đối với những trường hợp xảy ra sai sót, chúng ta cần những cách đơn giản để sửa sai."
Án oan bạo hành chồng của cô Saira cuối cùng đã bị đảo ngược, nhưng sáu năm sau, cô ấy vẫn thất vọng vì cách mình bị đối xử.
"Chúng tôi chỉ muốn ai đó lắng nghe câu chuyện của chúng tôi tại thời điểm đó và hướng dẫn chúng tôi đi đúng hướng. Bởi vì chúng tôi sợ hãi, đặc biệt là phụ nữ đến từ một quốc gia khác.
Nhưng nó không ngăn cản cô ấy xem xét quay trở lại Úc.
"Nếu tôi trở lại, chắc chắn có một số việc tôi phải làm, hoặc một số nghiên cứu tôi muốn làm. Tôi chắc chắn muốn tự đứng trên đôi chân của mình, thay vì phụ thuộc vào ai đó và tôi muốn tạo ra một sự khác biệt nhỏ trong xã hội. Tôi đã lấy đủ của xã hội, tôi cần phải trả ơn."