Máy bay MH17 bị bắn rơi tại Ukraine vào năm 2014. Nguồn: Maxim Zmeyev

 

 

AUSTRALIA - Chiều ngày 14/3, Úc vừa ra thông báo cho biết sẽ cùng với Hà Lan bắt đầu tiến trình pháp lý với Nga tại Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về vụ máy bay MH17 bị bắn hạ tại Ukraine vào năm 2014.

 

Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne, vừa tổ chức cuộc họp báo chiều ngày 14/3 để thông báo về việc chính phủ Úc cùng với chính phủ Hà Lan thay mặt gia đình các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi vào năm 2014 tại Ukraine bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý đối với Nga tại Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) “để tìm ra sự thật, công lý và trách nhiệm đối với thảm họa khủng khiếp này”. Úc và Hà Lan cho rằng một số người Nga được đào tạo đã bắn rơi máy bay MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) làm 298 người thiệt mạng, trong đó có 38 công dân và thường trú nhân Úc.

 

Sau khi xảy ra vụ việc, các quốc gia và tổ chức có liên quan đã tiến hành điều tra trong nhiều năm. Và đến tháng 10/2020, Nga đã từ chối đàm phán với Úc và Hà Lan về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân của vụ việc này.

 

Tại cuộc họp báo vào chiều tối nay, trả lời câu hỏi của phỏng viên về việc, tại sao vụ việc này được Úc và Hà Lan đưa ra vào thời điểm hiện tại, sau 17 tháng Nga ngừng đàm phán với 2 quốc gia này, Ngoại trưởng Marise Payne khẳng định hành động của Úc là để thể hiện sự ủng hộ các vụ kiện pháp lý tại Hà Lan cũng như yêu cầu các bên có trách nhiệm giải trình tại Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế: “Nga tham gia vào nhiều tổ chức đa quốc gia nhưng nước này không nên có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tại Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, không nên được tham gia bỏ phiếu tại các vụ kiện tụng tại cơ quan này, cũng như nên bị tước bỏ khả năng có thể ngăn cản sự đồng thuận. Vụ việc này là để ngăn cản quyền bỏ phiếu của Nga, và về trách nhiệm giải trình”.

 

Đây không phải là lần đầu tiên Úc và Hà Lan cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Tuy nhiên chính phủ Nga luôn phủ nhận cáo buộc này. Hiện chưa rõ mục đích thực sự đằng sau động thái này song dư luận Úc cho biết đây là một trong những nỗ lực của Úc và Hà Lan nhằm gây sức ép, buộc Nga phải quay trở lại bàn đàm phán.