Thủ tướng Anthony Albanese công bố cuộc trưng cầu dân ý tại Lễ hội Garma. Nguồn: AAP / AARON BUNCH/AAPIMAGE

 

 

AUSTRALIA - Lễ hội văn hóa bản địa lớn nhất cả nước là lễ hội Garma, những số liệu mới của chương trình ‘Closing the Gap’ cho thấy, chất lượng các biện pháp chính dành cho người Thổ Dân Úc đã giảm sút, kể từ sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý về ‘Quyền lên tiếng trước Quốc hội’ vào tháng Mười năm ngoái.

 

Lễ hội Garma được tổ chức vào tháng Tám hàng năm, đây là một lễ hội sôi động kỷ niệm văn hóa Yolngu tại Gulkula ở đông bắc Armhem Land.

 

Các bộ lạc địa phương và các nhóm Thổ dân ở các khu vực chung quanh sẽ tập hợp để thưởng thức ca hát, nhảy múa, biểu diễn giáo mác và săn bắn theo văn hóa Yolngu.

 

Được biết lễ hội Garma đầu tiên được tổ chức, ngay trước khi bước sang thiên niên kỷ vào năm 1999.

 

Được dẫn dắt bởi một trưởng lão Yunupingu quá cố, ban đầu là một sự kiện quy mô nhỏ, chỉ hơn một bữa tiệc nướng ở sân sau, nhưng sứ mạng của những người sáng lập vẫn là trở thành một cuộc họp đa văn hóa của các nhà lãnh đạo, để thảo luận về việc cải thiện mức sống cho tất cả Thổ dân.

 

Mỗi năm có khoảng 2 ngàn người đổ về Gulkula, một nơi linh thiêng nằm trên đỉnh của một vách đá và được bao quanh bởi một khu rừng nhiều vỏ cây, trên vùng đất của gia tộc Gumatj.

 

Đây là cuộc trao đổi văn hóa lớn nhất trong lịch sử, của người dân thuộc các quốc gia Bản địa ở Úc.

 

Du khách được chào đón một cách truyền thống, trước khi được mời đến khu vực khiêu vũ, được gọi là sân Bunggul, để dự lễ khai mạc theo nghi lễ.

 

Đó là sự khởi đầu của một lễ hội kéo dài bốn ngày, với một lịch trình dày đặc của các cuộc thảo luận chính trị, thiết lập chương trình nghị sự và lễ kỷ niệm văn hóa.

 

Sau hai năm vắng bóng vì đại dịch, lễ hội Garma được tổ chức lần thứ 23 hồi năm rồi và năm nay là lần thứ 24.

 

Được biết sự kiện thường niên này do ‘Quỹ Yothu Yindi’ hình thành, với mục đích cải thiện mức sống cho tất cả người Thổ dân.

 

Sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý về ‘Tiếng nói bản địa trước Quốc hội, đã có sự tập trung trở lại vào việc mở đường tiến về phía trước.

 

Đây là những gì mà những người tranh đấu thay đổi chính trị trong nhiều thế hệ thúc đẩy.

 

Denise Bowden, là giám đốc điều hành của Quỹ Yothu Yindi, cho biết một phần quan trọng của việc tiến về phía trước là giáo dục.

"Cá nhân tôi cảm thấy rằng, tất cả chúng ta cần phải tự mình trải qua một chút chiến dịch giáo dục".

"Những gì xảy ra ở những vùng rừng bụi, rất khác so với những gì xảy ra ở các thành phố của chúng ta".

"Tuy nhiên, với tư cách là một quốc gia, chúng ta nên cùng nhau tìm kiếm các giải pháp để cùng nhau tiến về phía trước".

"Tôi nghĩ rằng có thiện chí ở đây trong khu vực của chúng ta, để cam kết xây dựng một kế hoạch chiến lược, nhằm khắc phục một số rào cản và thách thức trong việc ‘Thu hẹp khoảng cách’ này, dường như đang trở nên tồi tệ hơn”.

 

Thế nhưng vào đêm trước các cuộc thảo luận bắt đầu tại lễ hội văn hóa bản địa lớn nhất của Úc đó là lễ hội Garma, một bức tranh ảm đạm đã được mô tả trong báo cáo ‘Thu hẹp khoảng cách’ mới nhất.

 

Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ có 5 trong số 19 mục tiêu đang đi đúng hướng để đạt được và 4 mục tiêu đang trở nên tồi tệ hơn.

 

Điều đáng lo ngại đặc biệt là tỷ lệ tự tử gia tăng, khi đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu, đối với người bản địa trong độ tuổi 15 đến 39 vào năm 2022.

 

Bộ trưởng mới phụ trách người bản địa Úc là bà Malarndirri McCarthy, cho biết tỷ lệ giam giữ cũng đang xấu đi và không có sự cải thiện nào về tỷ lệ thanh thiếu niên bị giam giữ.

Bà Malarndirri McCarthy nói “Chúng tôi có tỷ lệ tự tử cao đối với người thuộc dân tộc Bản địa, cũng như tỷ lệ bị giam giữ cao nhất".

"Tôi sẽ vượt qua sự chia rẽ trong Quốc hội để bảo đảm rằng, có một số lãnh vực nhất định trong các vấn đề của Thổ dân mà chúng ta không nên động đến, xét về mặt nó là một quả bóng chính trị”.

 

Trong khi đó Thủ tướng Anthony Albanese đã bảo vệ chính quyền liên bang, nói rằng một mình chính quyền không phải chịu mọi trách nhiệm.

Ông nói “Những thách thức vẫn còn đó, bạn không thể giải quyết bất bình đẳng giữa các thế hệ chỉ sau một đêm, nhưng điều bạn có thể làm là cam kết tạo ra sự khác biệt".

"Chính quyền của tôi đang làm như vậy và rõ ràng là các chính quyền ở mọi cấp độ, đã không làm đầy đủ trong quá khứ, nhưng chúng tôi cam kết hợp tác với các cộng đồng đó cũng như khu vực tư nhân để tạo ra sự khác biệt”.

 

Ông Scott Wilson, đến từ tổ chức ‘Coalition of Peaks’, một nhóm các tổ chức hàng đầu của các Quốc gia Bản địa, vốn đi đầu trong việc thúc đẩy thay đổi về ‘Thu hẹp Khoảng cách’, nói “Chúng ta đang trong một cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút và tôi nghĩ rằng miễn là chúng ta cùng chung quan điểm, cũng như tất cả đều đồng ý tiếp tục tiến về phía trước trong quan hệ đối tác, đó là những gì đang diễn ra".

"Tôi có thể nói rằng trong thời gian ngắn, khi các thỏa thuận quốc gia được đưa ra, thì mọi thứ đang thay đổi”.

 

Thế nhưng liệu sự thay đổi có đang diễn ra hay không và liệu nó có đủ nhanh hay không, sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận tại Lễ hội Garma thường niên lần thứ 24 trong bốn ngày, từ hôm nay ngày 2 cho đến hết ngày 5 tháng 8 năm 2024.