Nhốt trẻ em trong các phòng tạm giam dành cho người lớn là vi phạm quyền trẻ em. (ABC News: Maren Preuss)

 

 

NAM ÚC - Chính quyền tiểu bang Nam Úc đã vi phạm nhân quyền của trẻ em khi đã thực hiện hàng ngàn vụ giam giữ trẻ em trong các phòng tạm giam dành cho người lớn, và một chuyên gia cho rằng việc như vậy sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài cho những đứa trẻ bị giam giữ.

 

Một báo cáo mới của Ủy viên Trẻ em và Thanh thiếu niên của tiểu bang cho thấy đã có ít nhất 2.030 số lần trẻ em bị giam giữ trong các phòng giam của cảnh sát tiểu bang Nam Úc trong năm tài chính 2020-2021.

 

Trong số những lần giam giữ đó, 890 vụ giam giữ liên quan đến trẻ em thổ dân.

 

Ủy viên Helen Connolly nhận thấy rằng "Ở một số vùng quê và vùng xa xôi hẻo lánh, tất cả hoặc gần như những trẻ em bị bắt và bị giam giữ đều là thổ dân".

 

Việc làm này trực tiếp đi ngược lại quyền con người của trẻ em do Liên Hợp Quốc quy định.

 

Liên Hợp Quốc tuyên bố trẻ em chỉ nên được giữ trong các cơ sở dành cho người lớn khi đó là phương sách cuối cùng, trong thời gian ngắn nhất có thể và phải được tách biệt với người lớn.

 

Chính quyền tiểu bang đã thừa nhận cần phải làm nhiều việc hơn nhưng bảo vệ cho việc cảnh sát đưa trẻ em vào các cơ sở dành cho người lớn trong một số tình huống.

 

Cảnh sát tiểu bang Nam Úc đã được liên lạc để đưa ra bình luận.

 

Chuyên gia nói rằng 'bạo lực chính quyền' đang diễn ra

Hannah McGlade, ở Trường Luật Đại học Curtin (Curtin University Law School), cho biết cô kinh hoàng trước số liệu thống kê như vậy ở Úc.

 

Tiến sĩ McGlade nói "Đây là một tình trạng thật đáng sợ,".

"Đó là điều bất hợp pháp, nó trực tiếp đi ngược lại nghĩa vụ nhân quyền của Liên Hợp Quốc.”

"Chúng ta đang làm hại cuộc đời của trẻ em khi đối xử với chúng theo cách ngược đãi như vậy.”

"Đó là lạm dụng và bạo lực đối với trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em bản địa, đó là một hình thức phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc và nó khiến trẻ em gặp bất lợi nặng nề bao gồm cả nguy cơ bị giam giữ suốt đời.”

"Đây là bạo lực chính quền xảy ra với trẻ em tại thời điểm này."

Học giả Hannah McGlade cho biết tình trạng như vậy sẽ khiến trẻ em bị tổn hại suốt đời. (ABC News: Cason Ho )

 

Úc là một bên ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em nhưng có bảo lưu chống lại việc cấm giữ trẻ em trong các cơ sở dành cho người lớn, như được quy định bởi Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên Hợp Quốc.

 

Tiến sĩ McGlade cho biết điều quan trọng là Úc đã loại bỏ sự phản đối đó và cũng đã tự mình cho phép trẻ em đưa ra các hành vi vi phạm nhân quyền lên trước Liên Hợp Quốc.

 

Bà nói: “Chúng ta là một quốc gia hiện đại và chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ của mình để bảo vệ quyền lợi của trẻ em.”

 

Tiểu bang Nam Úc làm việc hướng tới một 'tình huống chấp nhận được'

Nat Cook, Bộ trưởng Dịch vụ Nhân sinh, cho biết lúc này báo cáo trên đã được công khai, chính quyền tiểu bang sẽ hướng tới một "quan điểm có thể chấp nhận được khi trẻ em không bị giam giữ trong các cơ sở dành cho người lớn".

 

Bà Cook cho biết ở một số khu vực, trẻ em bị giam giữ qua đêm trong phòng giam của cảnh sát thay vì bị đưa đi một quãng đường dài đến tòa án để xét xử.

 

Bà Cook nói: “Cảnh sát rất cẩn thận để bảo đảm rằng trẻ em được theo dõi chặt chẽ và tách biệt khỏi người lớn, vì vậy chúng cũng không ở trong tầm mắt của những người lớn bị giam giữ”.

 

Nat Cook, Bộ Trưởng dịch vụ Nhân sinh, thừa nhận rằng chính quyền có thể làm nhiều điều hơn nữa. (ABC: Viki Ntafillis)

 

Bà Cook cho biết khoản đầu tư 15 triệu đô-la vào trung tâm giam giữ thanh thiếu niên của Adelaide, tại Cavan, sẽ giúp giải quyết những người trẻ tuổi xuyên suốt hệ thống tư pháp.

 

Trung tâm giâm giữ này cũng bị chỉ trích trong báo cáo mới nhất của Ủy viên Connolly.

 

Báo cáo của Ủy viên có đoạn viết "Một tình trạng đáng quan tâm khác là thời gian kéo dài mà trẻ em đã bị giam giữ ở Trung tâm Tư pháp Thanh niên Kurlana Tapa (Kurlana Tapa Youth Justice Centre) trong phòng giam của chúng, và tỷ lệ thấp trẻ em và thanh thiếu niên Thổ dân (22,1%) đã được chuyển ra khỏi trung tâm tư pháp trẻ em khi so sánh với trẻ em và thanh thiếu niên không phải người bản địa (34,7%)".

 

Trung tâm Đào tạo Thanh niên Adelaide (Adelaide Youth Training Centre) cũng bị Ủy viên chỉ trích. (ABC News)

 

Số lượng trẻ em thổ dân rời xa hệ thống tư pháp là thấp nhất kể từ khi báo cáo bắt đầu được viết.

 

Ủy viên Connolly cũng lưu ý rằng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến số lượng nhân viên dẫn đến việc trẻ em tại trung tâm bị quản chế ở trong phòng và bị hạn chế được viếng thăm, chăm sóc sức khỏe và các hoạt động khác, bao gồm cả việc học hành.

 

Chính quyền tiểu bang cho biết họ đang tập trung thuê thêm nhân viên để giải quyết các vấn đề.