Kế hoạch khai triển tiêm chủng của Úc sẽ có đầy đủ nguồn lực và nguồn cung cấp vắc-xin. Ảnh: Getty
Chính phủ liên bang Úc đang lên kế hoạch để có đủ số lượng vắc-xin COVID-19 cho mục tiêu tiêm chủng hai mũi cho mỗi người lớn vào tháng Mười, với hơn một triệu liều Pfizer mỗi tuần sẽ được tung ra thị trường vào mùa xuân.
Các lô vắc-xin Moderna đầu tiên của cũng được dự đoán sẽ bắt đầu đến vào tháng Chín, cũng như chính phủ liên bang có kế hoạch loại bỏ dần vắc-xin AstraZeneca, dự kiến tất cả những người trên 60 tuổi sẽ được tiêm phòng vào thời điểm đó.
Chính phủ liên bang đã từ chối đưa ra các mục tiêu chắc chắn, sau khi đã không theo kịp theo kế hoạch dự báo ban đầu, nhưng dự báo về 'khung thời gian phân bổ tiêm chủng' của bộ y tế được công bố vào thứ Tư tuần này đưa ra bức tranh rõ ràng nhất về thời gian mà chương trình đang hướng tới.
Chính phủ dự đoán khoảng 30 đến 37 triệu liều vắc-xin sẽ đến từ tháng Bảy đến tháng Chín, đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số trưởng thành còn lại.
Trung tướng John Frewen, Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm COVID-19, hứa: “Thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên”.
Đây là lần đầu tiên chính phủ liên bang công bố dữ liệu dài hạn về thời điểm họ dự kiến vắc xin sẽ xuất hiện.
Các nhà lãnh đạo của tiểu bang và vùng lãnh thổ đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin về thời điểm và số lượng vắc-xin mà họ sẽ được phân bổ, để lập kế hoạch dài hạn tiêm chủng cho thêm hàng triệu người Úc.
Tính đến thứ Tư tuần này, 6,8 triệu liều vắc-xin đã được tiêm ở Úc.
Cả hai loại vắc xin đã được phê duyệt, Pfizer và AstraZeneca, đều là vắc-xin tiêm hai liều, có nghĩa là sẽ cần khoảng 40 triệu liều được tiêm để bảo vệ hoàn toàn cho 20 triệu người lớn đủ điều kiện.
"Thời gian dự tính phân bổ vắc-xin" cho thấy rằng chính phủ liên bang dự đoán vắc-xin mRNA Moderna sẽ bắt đầu đến vào tháng Chín, nhưng không bao gồm bất cứ kỳ vọng nào về vắc-xin Novavax.
Vắc-xin này, mặc dù cho thấy tỷ lệ hiệu quả cực kỳ cao trên 90% trong các thử nghiệm lâm sàng, đã bị trì hoãn lâu dài trong sản xuất ở nước ngoài, một phần do thiếu nguyên liệu và khó mở rộng cơ sở vật chất.
Dự kiến lên đến 37 triệu liều vào tháng Mười.
Chính phủ dự báo nguồn cung vắc xin sẽ tăng đáng kể trong những tháng tới, khi có thêm nhiều vắc-xin Pfizer và sau đó là Moderna.
Trong tháng Tám và tháng Chín, chính phủ dự đoán sẽ nhận được từ 2.85 triệu đến 3.35 triệu liều mỗi tuần, cho tổng số từ 22.8 triệu đến 26.8 triệu liều chỉ trong thời gian hai tháng đó.
Trong tháng Chín, nguồn cung dự kiến sẽ giảm đáng kể, chỉ còn từ 1.9 triệu đến 2.625 triệu mỗi tuần.
Đó là do, trong khi Pfizer tăng số lượng và Úc mong đợi các lô hàng nhỏ đầu tiên của Moderna, thì việc phân bổ dự kiến vắc-xin AstraZeneca sẽ giảm hơn một nửa trong tháng đó.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng từ đầu tháng Bảy đến cuối tháng Chín, chính phủ dự kiến sẽ nhận được từ 30.39 đến 37.3 triệu liều vắc-xin.
Thêm vào số liều được tiêm vào cuối tháng Sáu, sẽ trên bảy triệu liều, Úc dự kiến sẽ nhận được tổng số hơn 40 triệu liều vắc-xin vào cuối tháng Chín.
Số lượng đó sẽ là nguồn cung cấp đủ hai liều vắc-xin cho tất cả 20 triệu người trưởng thành ở Úc.
Tuy nhiên, các quy định về thời gian giữa hai liều - ba tuần đối với Pfizer, 12 tuần đối với AstraZeneca - có thể có nghĩa là có thể phải đến tháng Mười Một, tất cả người Úc mới có thể mong đợi được tiêm hai liều.
Chính phủ liên bang không đưa ra bất kỳ thời hạn chắc chắn nào về thời điểm hy vọng tất cả người dân Úc sẽ được tiêm chủng đầy đủ, chỉ đơn giản nói “càng sớm càng tốt” nhưng hy vọng là vào cuối năm 2021.
Các tài liệu phân phối vắc-xin ghi nhận việc triển khai "sẽ tăng cường nguồn lực nhằm hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vào tháng Mười Hai năm 2021".
Từ lâu, chính phủ đã nói về một “cuộc chạy nước rút” để tất cả người dân Úc được tiêm chủng vào tháng Mười, tháng Mười Một và tháng Mười Hai.
Các dự báo dự đoán sẽ có từ 2.1 đến 2.9 triệu liều vắc-xin đến mỗi tuần trong quý cuối cùng đó, trong tổng số 25 đến 35 triệu liều nữa.
Tài liệu phân phối vắc-xin nhấn mạnh: “Số lượng phân phối trung bình được cung cấp trong kế hoạch này đã được cung cấp để hỗ trợ lập kế hoạch cho tương lai và có thể thay đổi”.
Dư thừa vắc-xin để giúp các quốc gia nghèo hơn.
Úc đang sản xuất hơn một triệu liều AstraZeneca mỗi tuần tại công ty CSL ở thành phố Melbourne, nhưng các dự báo cho thấy số lượng này có thể không cần sau tháng Chín.
Trung Tướng John Frewen và Bộ trưởng Y Tế Greg Hunt. Ảnh: AAP
Trung tướng Frewen nói rằng đó là bởi vì chính phủ dự đoán tất cả những người trên 60 tuổi - nhóm người được đề xuất tiêm chủng AstraZeneca - sẽ được chích đủ liều của họ vào thời điểm đó.
Nguồn cung AstraZeneca dư thừa trong tương lai, kết hợp với hàng triệu liều bổ sung của Pfizer, và có khả năng là Novavax, có nghĩa là Úc có thể gửi nhiều vắc xin hơn đến các quốc gia nghèo hơn.
Giáo sư Peter Collignon, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại Học Quốc Gia Úc Đại Lợi - Australian National University – nói với The New Daily rằng: “Tình trạng thiếu vắc xin trên toàn cầu, các nước giàu có đã có lượng vắc xin nhiều gấp 4 lần so với nhu cầu của dân số.”
"Chúng tôi có thể giúp phân phối cho những nơi cần vắc-xin."
Commodore Eric Young, điều phối viên của kế hoạch khai triển vắc-xin, lặp lại những ý kiến đó, nói rằng việc tiếp tục sản xuất AstraZeneca có thể giúp “các đối tác của chúng ta trong khu vực”.
Khung thời gian để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả những người Úc đủ điều kiện có thể bị đẩy ra xa hơn nữa nếu người ta khuyến nghị rằng những người dưới 18 tuổi cũng được tiêm chủng, điều này hiện không phải là chính sách của liên bang.
Các cơ quan quản lý y tế của Úc vẫn chưa khuyến cáo trẻ em được tiêm vắc-xin COVID, nhưng một số quốc gia ở nước ngoài đã chấp thuận vắc-xin cho những người dưới 12 tuổi.
Tại Úc, Pfizer được chấp thuận cho những người từ 16 tuổi trở lên.
AstraZeneca được chấp thuận cho những người trên 18 tuổi.
Moderna và Novavax vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký giấy tờ của họ và do đó vẫn chưa được chấp thuận.
Các tài liệu phân bổ vắc-xin lưu ý rằng số lượng được cung cấp là “phân bổ trung bình mỗi tuần” và xác nhận về số lượng thực tế “sẽ được cung cấp trước bốn tuần, sau khi nguồn cung cấp được xác nhận với các nhà sản xuất vắc xin”.