Mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới khẳng định rằng “chúng tôi luôn rõ ràng về thông tin và cách nó được sử dụng”.

 

 

 

 

 

Ủy Hội Cạnh Tranh và Bảo Vệ Người tiêu dùng Úc Đại Lợi - ACCC - cho biết Facebook đã theo dõi dữ liệu của mọi ứng dụng được truy cập và số thời gian mà các ứng dụng được sử dụng mỗi ngày. (Unsplash: Alex Haney)

 

 

 

 

Vào hôm ngày 16/12, Ủy Hội Cạnh Tranh và Bảo Vệ Người tiêu dùng Úc Đại Lợi (ACCC) đã đệ đơn kiện Facebook vì lén lút theo dõi và khai thác hàng loạt dữ liệu của người dùng cho các mục đích thương mại riêng của hãng thông qua ứng dụng Onavo Protect.

 

 

Onavo Protect là một ứng dụng miễn phí cung cấp cho người dùng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) được Facebook mua lại vào năm 2013.

 

 

Theo đơn kiện của ACCC, từ tháng 2/2016 đến tháng 10/2017, Facebook đã đánh lừa người tiêu dùng địa phương bằng cách quảng cáo rằng ứng dụng Onavo Protect sẽ giữ bí mật hoạt động cá nhân và dữ liệu của người dùng, đảm bảo không sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào khác ngoài sản phẩm của Onavo. Tuy nhiên, thông qua Onavo, Facebook đã thu thập và sử dụng dữ liệu hoạt động cá nhân rất chi tiết và có giá trị của hàng nghìn người tiêu dùng cho các mục đích thương mại của riêng mạng xã hội này.

 

 

ACCC cho rằng Facebook đã thu thập và tổng hợp một lượng lớn dữ liệu của người dùng. Cơ quan này cáo buộc rằng Onavo Protect đã theo dõi hoạt động của người dùng Úc trên mạng internet và các ứng dụng di động, bao gồm danh sách các ứng dụng được truy cập và thời gian của người dùng trên các ứng dụng đó.

 

 

Onavo Protect hiện đã không còn tồn tại. Nó đã chính thức bị Facebook gỡ bỏ khỏi chợ bán ứng dụng trực tuyến Apple Store và Google Play Store từ năm 2018 do vi phạm chính sách liên quan đến việc thu thập dữ liệu từ một ứng dụng không phải là ứng dụng Facebook.

 

 

Chủ tịch ACCC, Rod Sims, cho biết ông lo ngại rằng có sự khác biệt giữa cách ứng dụng được quảng bá và những gì thực sự đang xảy ra.

 

 

Trong một cuộc họp báo hôm 16/12, ông Sims nói : “Thực tế, họ đã lưu lại việc sử dụng dữ liệu, vì vậy, người tiêu dùng không thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về việc họ có muốn sử dụng ứng dụng này hay không”.

 

Ông Sims nhấn mạnh “Qua những hành động này, chúng tôi muốn gửi thông điệp đến các nền tảng kỹ thuật số rằng họ cần trung thực với người dùng về những gì đang thực sự diễn ra trên các nền tảng của họ”

 

 

Trước động thái của ACCC, phát ngôn viên của Facebook cho biết công ty luôn rõ ràng về các thông tin mà hãng thu thập và cách sử dụng các thông tin này.

 

Phát ngôn viên này nói:  “Chúng tôi đã xem xét đơn kiện của ACCC và sẽ tiếp tục bảo vệ lập trường của mình”

 

 

Tại Úc, khoản tiền phạt mà một công ty phải chịu khi bị phát hiện lừa dối người tiêu dùng có thể lên đến 10 triệu đô-la, hoặc một số tiền gấp 3 lần lợi nhuận mà công ty có thể nhận được tại quốc gia này.

 

 

Trong trường hợp tòa án không xác định được khoản tài chính này, các công ty có thể bị phạt 10% doanh thu trong 12 tháng trước đó.

(Theo abc.net.au)