Chú chó thám tử Zinta phát hiện an toàn sinh học mới ở Darwin đã phát hiện ra thịt không khai báo của một hành khách đến từ Indonesia. Ảnh: Bộ Nông lâm ngư nghiệp (Department of Agriculture, Fisheries and Forestry)

 

AUSTRALIA - Một hành khách bay từ Indonesia đến Úc đã bị phạt $2.664, sau khi mang theo bữa sáng mua ở cửa hàng McDonald’s trong ba lô mà không khai báo.

 

Tổng trưởng Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Murray Watt cho biết một con chó nghiệp vụ tên là Zinta đã phát hiện 

“hai chiếc bánh muffin kẹp trứng và xúc xích bò mua từ cửa hàng McDonald’s ở Bali và một chiếc bánh sừng trâu kẹp thịt nguội”

 trong hành lý của vị khách này.

 

Ông nói “Đây sẽ là bữa ăn Maccas đắt tiền nhất mà vị khách này từng có.”

“Khoản tiền phạt này cao gấp đôi tiền vé máy bay đến Bali, nhưng tôi hoàn toàn không thông cảm cho những người không tuân thủ các biện pháp an ninh sinh học nghiêm ngặt của Úc, và những vụ phát hiện gần đây cho thấy bạn sẽ bị bắt.”

 

Những món đồ này đã được xét nghiệm vi-rút lở mồm long móng và đem đi tiêu huỷ.

 

“An ninh sinh học không phải là trò đùa — nó giúp bảo vệ công ăn việc làm, các trang trại, thực phẩm và hỗ trợ nền kinh tế. Các hành khách cần phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện để nhập cảnh Úc, bằng cách tuân thủ tất cả các biện pháp an ninh sinh học.”

 

Chó thám tử Zinta và đồng sự tại Phi Trường Darwin. Ảnh: Department of Agriculture, Fisheries and Forestry

 

Trang mạng của Bộ Nông nghiệp Úc cho biết 

“những hành khách từ Indonesia đến Úc sẽ bị giám sát an ninh sinh học nghiêm ngặt hơn”

, do đợt bùng phát bệnh lở mồm long móng tại quốc gia Đông Nam Á này.

 

Lở mồm long móng là một căn bệnh dễ lây lan, ảnh hưởng đến nhiều loài động vật như bò, heo, cừu, dê… Chính phủ Úc đang nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại Úc nhằm bảo vệ ngành nông nghiệp nội địa.

 

Mặc dù bệnh lở mồm long móng không lây cho người, nhưng vi-rút gây bệnh này có thể tồn tại trên giày dép, quần áo và hành lý của những người tiếp xúc với động vật, đất, bùn và phân.

 

Vi-rút gây bệnh lở mồm long móng cũng có thể tồn tại trong thịt và các sản phẩm từ sữa, ngay cả sau khi đông lạnh, cũng như trên da động vật, thiết bị cắm trại và săn bắn.

 

Murray Watt, Tổng trưởng Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp nói “An ninh sinh học không phải là trò đùa — nó giúp bảo vệ công ăn việc làm, các trang trại, thực phẩm và hỗ trợ nền kinh tế.”

 

Những hành khách đến Úc phải khai báo trung thực về các chuyến đi đến vùng nông thôn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, cũng như thịt, sữa hoặc bất kỳ sản phẩm nào khác từ động vật.

 

Nếu bị phát hiện vi phạm, hành khách có thể bị phạt đến $2.664. Du khách đến Úc bằng visa tạm trú cũng có thể bị huỷ visa và không được phép nhập cảnh.

 

Chính phủ Albanese hồi tháng trước đã công bố gói tài trợ cho an ninh sinh học trị giá 14 triệu đô la. Giới hữu trách cũng đã triển khai chó nghiệp vụ tại các phi trường ở Darwin và Cairns, cũng như thảm chùi chân tại các phi trường trên khắp nước Úc.