Một nha sĩ và trợ tá đang chuẩn bị cho một buổi khám bệnh. Nguồn: AAP

 

Lần gần đây nhất quý vị đi khám răng là khi nào? Người Úc đang được nhắc nhở đến gặp nha sĩ để khám răng sau khi những hạn chế về thủ tục nha khoa được nới lỏng.

 

Các phòng khám nha khoa đã phải đóng cửa trong nhiều tuần sau khi chính phủ ra lệnh cấm phẫu thuật không cấp bách, nhưng giờ đây tất cả đã hoạt động trở lại. Kể từ ngày 8 tháng 5, các hạn chế đối với các phòng khám nha khoa đã được hạ cấp từ Cấp độ Ba xuống Cấp độ Một, cho phép tiếp tục việc điều trị không khẩn cấp.

 

Hiệp hội Nha khoa Úc đang kêu gọi mọi người hẹn gặp nha sĩ để kiểm tra định kỳ và thực hiện các biện pháp điều trị mà họ có thể đã tạm ngưng do đại dịch. Chủ tịch Hiệp hội Nha khoa, ông Carmelo Bonanno nói rằng các phòng khám được yêu cầu sàng lọc bệnh nhân và chỉ điều trị cho những người không có nguy cơ lây lan COVID-19.



“Bệnh nhân được hỏi liệu họ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 dương tính hoặc là thuộc nhóm nguy cơ cao hay không. Nghĩa là họ có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh hay không, hoặc là gần đây họ có biểu hiện các triệu chứng có thể liên quan đến COVID hay không? Đó là điều đầu tiên được hỏi.”

 

Những người nhiễm COVID-19 mà cần được chữa trị nha khoa khẩn cấp sẽ được điều trị tại một cơ sở khác, nơi có thiết bị bảo hộ để ngăn chặn virus lây lan. Đối với những người sợ bị nhiễm COVID-19 khi đến gặp nha sĩ, bác sĩ Bonanno khuyên họ nên gọi điện trước cho nha sĩ để được trấn an.

 

Underwood Dental Care là một trong những cơ sở đang chào đón bệnh nhân sau khi bị buộc phải đóng cửa trong một tháng. Phòng khám ở Logan, Queensland, đã mở cửa hơn một tuần qua và được tập trung chú ý để giảm thiểu khả năng bùng phát dịch. Nha sĩ chính Benjamin Thai cho biết các kỹ thuật viên nha khoa được tập huấn chuyên sâu về kiểm soát nhiễm khuẩn.

 


“Các kỹ thuật viên nha khoa đã thực hành các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, ngay cả trước đại dịch COVID-19. Hiện nay, chúng tôi cũng tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt về vệ sinh, đồ bảo hộ, kiểm soát nhiễm khuẩn và khử trùng dụng cụ. Tất cả những điều đó được chúng tôi thực hiện trong gần như cả cuộc đời của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các phòng khám nha khoa là nơi rất an toàn để bệnh nhân đến khám.”

 

Phòng khám hiện đã lắp kính bảo vệ, trang bị nước rửa tay và thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Bệnh nhân chờ khám sẽ được yêu cầu ở trong xe của họ nếu như tại quầy tiếp tân đã có hai người đang chờ.

 

Bác sĩ Thai cho rằng số lượng bệnh nhân đến khám định kỳ sẽ giảm trong tương lai gần, một phần là do lo ngại về coronavirus. Ông nói rằng cách chữa trị tốt nhất cho các vấn đề về răng là phòng ngừa, và quan trọng là phải thường xuyên đến gặp nha sĩ để duy trì sức khỏe của răng.



“Tất cả các vấn đề có thể bị bỏ qua, và sau đó một lỗ nhỏ có thể trở thành một lỗ lớn, sau đó một lỗ lớn có thể kết thúc bằng việc chữa trị tốn kém hơn nhiều, ví dụ như điều trị tủy răng. Không phải lúc nào tình trạng viêm nhiễm cũng gây đau nhức, và đáng tiếc là khi nó bắt đầu làm bạn đau thì đã quá muộn, thậm chí nó có thể khiến bạn mất răng của mình.”



Bác sĩ Thai cho biết các vấn đề lớn có thể được ngăn chặn hoặc là điều trị với chi phí rẻ hơn nếu như được phát hiện sớm. 

 

Các chuyên gia cũng lo ngại về nguy cơ hệ thống y tế công cộng bị quá tải khi mọi người để cho sức khỏe răng miệng của họ xấu đi. Alexander Holden, một giảng viên cao cấp về nha khoa tại Đại học Sydney, cho biết nếu như có nhiều người đồng thời yêu cầu chữa trị nha khoa khẩn cấp thì sẽ gây căng thẳng cho các bệnh viện.



“Điều quan trọng là mọi người nên bắt đầu suy nghĩ về việc tập thói quen kiểm tra răng miệng định kỳ, và đặc biệt kiểm tra sớm nếu như có bất kỳ vấn đề nào, và không để tình trạng diễn tiến xấu. Một trong những nỗi lo chính trong ngành nha là trường hợp các bệnh viện bị quá tải trong khi phải thực sự tập trung vào điều trị bệnh liên quan đến COVID-19. Chúng tôi không muốn hệ thống bệnh viện bị quá tải bởi những người gặp vấn đề về răng miệng.”

 

Tuy nhiên nhiều người Úc gặp khó khăn về tài chính trong đại dịch đang ngừng mua bảo hiểm y tế tư nhân và hoãn các biện pháp điều trị nha khoa tốn kém. Tiến sĩ Holden thừa nhận tác động kinh tế của đại dịch có thể có gây nhiều rắc rối trong tương lai.

“Chúng tôi không muốn thấy sức khỏe răng miệng của mọi người suy giảm vì họ gặp khó khăn về kinh tế do COVID-19. Và chắc chắn đó là một hậu quả nặng nề, sẽ có tác động trong nhiều năm sau khi đại dịch này kết thúc.”

 

Hiệp hội Nha khoa cũng nhắc nhở mọi người duy trì thói quen lành mạnh trong khi ở nhà nhiều hơn. Tổ chức này ủng hộ việc đánh răng hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluoride và sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày.

 

Tiến sĩ Bonanno nói rằng chúng ta cũng nên hạn chế lượng đường vào cơ thể, với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêu thụ không quá sáu muỗng cà phê đường - tương đương 24 gram - mỗi ngày.



“Bản chất của con người chúng ta khi có thời gian rảnh một chút, hoặc khi hơi căng thẳng và chán nản, thì chúng ta có khuynh hướng tiêu thụ những thực phẩm có đường, và có thể thói quen của chúng ta không còn tốt như trước đây. Thông điệp chúng tôi gửi đến mọi người là hãy nhớ tiếp tục chăm sóc răng, theo dõi chế độ ăn uống, theo dõi tần suất các bữa ăn nhẹ có thể có nhiều đường.”