Hình ảnh nhà thờ nơi xảy ra vụ đâm người. Ảnh:  Mark Baker/AP

 

 

 

NSW - Các nhà lãnh đạo từ các cộng đồng Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo ở Sydney đã cùng nhau lên án bạo lực và những lời bình luận gây chia rẽ, nổi lên sau hai vụ tấn công bằng dao ở Sydney.

 

Các nhà lãnh đạo tôn giáo nói những phản ứng sau các vụ tấn công bằng dao ở Sydney đang làm suy yếu sự gắn kết xã hội của nước Úc.

 

Các nhóm Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo đã đưa ra tuyên bố, về những căng thẳng và bạo lực tại Sydney.

 

Tuyên bố được đưa ra sau khi cảnh sát và các cơ quan điều tra kết luận cuộc tấn công bằng dao tại Nhà thờ Công giáo The Good Shepherd ở Wakeley là hành động khủng bố.

 

Một thiếu niên Hồi giáo 16 tuổi đang bị cảnh sát giam giữ, vì đã đâm Giám mục Mar Mari Emmanuel và một số người đi lễ nhà thờ, khi buổi lễ tại nhà thờ đang được phát sóng trực tiếp.

 

Khi tin tức và đoạn video về vụ tấn công lan truyền trên mạng xã hội, hàng chục người đã đổ đến nhà thờ, đòi đưa thiếu niên đã tấn công ra ngoài, để họ giải quyết.

 

Các cuộc đụng độ sau đó giữa cảnh sát và những người bên ngoài nhà thờ, đã khiến một số cảnh sát bị thương, xe cảnh sát bị hư hỏng hoặc phá hủy.

 

Linh mục Patrick McInerney, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Kitô giáo-Hồi giáo Columban, cho hay vụ tấn công đã dẫn đến những căng thẳng giữa các thành viên thuộc các tín ngưỡng khác nhau.

"Sau vụ tấn công ở trong nhà thờ, tất nhiên, cuộc bạo lực nổ ra bên ngoài nhà thờ là không thể chấp nhận được, nhưng sau đó trên mạng xã hội cũng có những tuyên bố phản đối, và đổ lỗi khá mạnh mẽ. Và vào thời điểm này, những tuyên bố kiểu đó chẳng giúp ích được gì cả. Chúng đang làm tình hình căng thẳng. Điều chúng ta cần làm lúc này là đổ nước vào lửa chứ không phải đổ dầu vào lửa”.

 

Tuyên bố chung của Hội đồng Do Thái Úc, Cơ quan Hồi giáo Úc và Trung tâm Quan hệ Kitô giáo-Hồi giáo Columban nêu rõ:

"Những ngày gần đây đã cho thấy rằng nỗi sợ hãi và thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng sau những sự kiện như vậy. Chúng ta phải bác bỏ những kẻ nỗ lực lợi dụng những sự cố này nhằm duy trì chủ nghĩa bài Do Thái, bài Hồi giáo hoặc bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc, hận thù hoặc không khoan dung nào. Thay vào đó, chúng ta phải đến bên nhau, hỗ trợ lẫn nhau, nói lên sự thật thay vì sự giả dối, và thể hiện sức mạnh của các giá trị chung của quốc gia về sự hòa nhập và hiểu biết lẫn nhau."

 

Tuyên bố tiếp tục kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc bôi nhọ những người mang đức tin khác.

"Thật không may, một số nhà lãnh đạo cộng đồng, phương tiện truyền thông và chính trị gia đã thúc đẩy sự chia rẽ và phân biệt chủng tộc trong cộng đồng. Điều này cần phải chấm dứt ngay bây giờ. Những người có tín ngưỡng và xuất thân khác nhau không bị coi là quỷ dữ hoặc mất nhân tính. Bây giờ là lúc phải nỗ lực để bảo đảm rằng Sydney là nơi mà mọi người thuộc mọi nguồn gốc và tôn giáo đều có thể cảm thấy an toàn, được chào đón và được trao quyền, để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả những ai có chung tầm nhìn này, vì một xã hội đa nguyên, công bằng và đa văn hóa, đa tín ngưỡng."

 

Linh mục Patrick đã tập hợp các nhà lãnh đạo của ba tôn giáo lại với nhau và là tác giả của tuyên bố. Ông nói:

"Tôi rất vui mừng được tham gia vào tuyên bố vì đó là tuyên bố của những người Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo cùng với nhau. Chúng tôi là những người kế thừa các truyền thống tôn giáo cổ xưa. Chúng tôi có lịch sử rất tích cực. Và chúng tôi cũng có những khoảnh khắc trong lịch sử của mình khi xảy ra xung đột. Chúng tôi hiện nay đang ở trạng thái tốt nhất để đề cao các giá trị phổ quát của con người ".

 

Không chỉ vụ tấn công bằng dao ở nhà thờ mới bộc lộ sự chia rẽ trong cộng đồng.

 

Ngay sau vụ tấn công ở Westfield Bondi Junction vào cuối tuần trước, và trước khi cảnh sát công bố bất kỳ thông tin nào, mạng xã hội ở Úc đã xôn xao khi cho rằng kẻ tấn công là một người đàn ông Ả Rập, dẫn đến cáo buộc rằng đó là một cuộc tấn công khủng bố, của một người đàn ông Hồi giáo, vì Úc ủng hộ Israel.

 

Một phương tiện truyền thông đưa tin tên của một người đàn ông Do Thái, con trai của một thành viên nổi bật của cộng đồng Do Thái ở Sydney, nói rằng anh ta là kẻ tấn công.

 

Cả hai tuyên bố trên đều sai.

 

Kẻ tấn công Bondi Junction được cảnh sát xác định ngay sau đó là Joel Cauchi, một người đàn ông đến từ Queensland bị bệnh tâm thần phân liệt.

 

Trong số sáu người thiệt mạng, người đàn ông duy nhất là Faraz Tahir, một nhân viên bảo vệ người Hồi giáo, và đã đến Úc tị nạn từ Pakistan.

 

Tiến sĩ Elizabeth Strakosch là Giám đốc Điều hành tại Hội đồng Do Thái Úc.

"Tôi tin rằng chúng ta đã từng chứng kiến sự mất nhân tính và tàn bạo đối với người Palestine, cũng như chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bài Palestine, khi đưa tin về cuộc chiến của Israel ở Gaza, bao gồm cả việc liên tục đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các nạn nhân, mà không dành thời gian và không gian để nói lên sự đau khổ mà nhiều người Palestine đang cảm nhận, và bên cạnh đó, cũng cho rằng người Palestine và người Hồi giáo ở Úc là mối đe dọa tiềm tàng."

 

Bà trích dẫn một trường hợp cụ thể.

"Một ví dụ đó là người ta phản ứng dữ dội, chống lại việc cấp visa cho người Palestine đang tìm kiếm sự an toàn ở Úc, và cố gắng trốn thoát khỏi bạo lực ở Gaza. Và chúng tôi thấy một số chính trị gia và tổ chức coi họ là mối đe doạ an ninh và kêu gọi đình chỉ những visa đó ... Tôi nghĩ chúng ta cũng đã thấy các chính trị gia đặc biệt nghiêng khá nhiều về các nhóm bài Hồi giáo, trong đó tôi nghĩ đến Peter Dutton."

 

 

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với SBS News, Thủ tướng Anthony Albanese kêu gọi mọi người hãy tôn trọng và hoà hợp.

“Chúng ta cần phải tôn trọng lẫn nhau, bất kể đức tin của mọi người là gì, bất kể nguồn gốc của mọi người là gì. Mới thứ Sáu tuần trước, tôi đã tiếp đón các nhà lãnh đạo tôn giáo trong một cuộc họp ở Sydney, để nói về tự do tôn giáo, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thực sự tôn trọng giữa các quốc gia khác nhau và các nhóm tín ngưỡng; đó là một nước Úc mạnh mẽ và gắn kết hơn, có thể thảo luận về các vấn đề một cách tôn trọng lẫn nhau, và cho phép nhau bước tiếp, bao gồm cả việc chúng ta là những người có đức tin hay không có đức tin, chỉ cần tôn trọng điều này."