Trẻ em cần phải mạo hiểm bằng cách trèo cây hoặc chơi đùa để phát triển những kỹ năng sống quan trọng. Nguồn: Getty / Scott Olson
Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng nỗi sợ hãi của cha mẹ có thể cản trở con trẻ xây dựng các kỹ năng quan trọng.
Các bậc cha mẹ người Úc quá lo lắng về sự an toàn của con mình và việc hạn chế rủi ro trên sân chơi có thể khiến trẻ kém năng động hơn.
Một nghiên cứu đầu tiên trên thế giới của các nhà nghiên cứu tại Đại học Deakin đã phát hiện ra rằng các bậc cha mẹ người Úc là những người không thích rủi ro nhất trên thế giới - vượt qua New Zealand, Canada và Vương quốc Anh - với nỗi lo sợ con trẻ bị thương ảnh hưởng đến các hoạt động mà họ cho con mình tham gia.
Trẻ em phát triển các kỹ năng quan trọng bằng cách kiểm tra các giới hạn và khám phá các ranh giới thông qua "chơi mạo hiểm", bao gồm trèo cây, đi xe đạp, chơi dùng sức hoặc chơi đánh nhau.
Nghiên cứu cho thấy 4 trong 5 bậc cha mẹ người Úc, trong số 645 người được khảo sát, đã hạn chế con họ tham gia vào các hoạt động “rủi ro” mặc dù thừa nhận những lợi ích mà các hoạt động đó mang lại đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Trưởng nhóm nghiên cứu và nghiên cứu sinh tiến sĩ Alethea Jerebine, từ Trường Y tế và Phát triển Xã hội Deakin và Trung tâm Thể thao của Đại học Coventry Vương quốc Anh, cho biết kết quả này thật “gây sốc”.
Nghiên cứu của Đại học Deakin cho thấy 78% cha mẹ không cho con mình tham gia vào các "hành vi nguy hiểm" như đạp xe nhanh hoặc thường xuyên trèo cây. Nguồn: Getty / Andrey Moisseyev
Cô nói với SBS News "Chúng tôi phát hiện ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ không thích rủi ro sẽ ít hoạt động thể chất hơn và ít chơi mạo hiểm hơn."
Cô cũng cho biết những đứa trẻ này ít hoạt động thể chất hơn ba lần và ít có khả năng đáp ứng các hướng dẫn về hoạt động thể chất của Úc.
Mặc dù không có sự khác biệt giữa khả năng chịu đựng của giới tính phụ huynh đối với những trò chơi mạo hiểm, nhưng nghiên cứu cho thấy các bà mẹ lo ngại hơn về thương tích.
Cô Jerebine nói rằng mối lo ngại rằng con cái họ sẽ bị tổn thương đã dẫn đến việc con trẻ trong nhà họ có ít hoạt động thể chất và vui chơi ngoài trời hơn.
Chơi mạo hiểm dẫn đến xây dựng 'trí thông minh về rủi ro'
Cô Jerebine nói "Điều thực sự quan trọng là trẻ em phải bắt đầu chấp nhận rủi ro ngay từ khi còn nhỏ,"
"Việc đó giúp trẻ tìm ra những gì trẻ có thể và không thể làm. Từ đó giúp trẻ tìm hiểu về rủi ro và cách giữ an toàn cho bản thân. Học về rủi ro chính là học cách cân chỉnh lại.”
"Khi bạn làm một việc gì đó, bạn có thể phạm sai lầm, bạn nghĩ, ‘Tôi sẽ không làm sai như vậy nữa.’ Và đó là quá trình học hỏi và quá trình đó tăng dần."
Bà Marilyn Fleer, Giáo sư học giả của Đại học Monash, cho biết những cơ hội này để xây dựng năng lực và sự tự tin cho phép trẻ em giải quyết các tình huống rủi ro trong tương lai.
Bà Fleer cho biết nghiên cứu này cho thấy rằng, "khi trẻ xây dựng khả năng để có thể đưa ra những đánh giá đó, điều xảy ra là các em sẽ phát triển một loại trí thông minh về rủi ro".
"Từ đó trẻ em có thể nhìn thấy một tình huống và có thể đoán được nguy hiểm vì các em đã xây dựng được bộ kỹ năng đó theo thời gian."
Vì lý do trên, bà Fleer chỉ trích các trường học loại bỏ khung leo trèo trên sân trường hoặc cấm trò nhào lộn trồng chuối, những biện pháp ngày càng trở nên phổ biến.
Làm thế nào cha mẹ có thể khuyến khích chơi mạo hiểm một cách an toàn?
Giáo sư Fleer cho biết điều quan trọng là phải chọn những thách thức về thể chất phù hợp với độ tuổi và khả năng của trẻ, hãy nhớ rằng trẻ nhỏ dưới ba tuổi vẫn đang phát triển các kỹ năng như khả năng giữ thăng bằng.
Bà nói "Các bậc phụ huynh sẽ muốn cung cấp cho con trẻ những thứ mà trẻ có thể leo lên tương ứng với độ cao, để khi té ngã, trẻ sẽ không bị rơi một quãng cao.”
"Điều quan trọng là tăng dần độ phức tạp của thử thách cho trẻ. Vì vậy, hãy cung cấp cho trẻ thêm độ cao hoặc các loại thiết bị bổ sung mà trẻ có thể sử dụng."
Chuyên gia nghiên cứu, Jerebine, khuyến khích các bậc cha mẹ cân nhắc việc sử dụng ngôn ngữ khi trò chuyện với con.
Cô nói "Hãy dừng lại và suy nghĩ, tại sao tôi lại yêu cầu con mình phải cẩn thận?"
"Có hướng dẫn nào tôi có thể đưa ra cho con trẻ để giúp trẻ không... Hãy nghĩ xem bạn sẽ nhúng tay vào đâu, bước tiếp theo."