Các doanh nghiệp Úc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh phụ thuộc Trung Quốc và vượt qua đòn trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh.

 

 

 

 

 

Ngư dân bán tôm hùm trực tiếp cho người dân ngay tại cảng ở tiểu bang Tây Úc. Nguồn: AFP

 

 

 

 

 

 

Mối quan hệ Úc-Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi, vào hồi tháng Tư năm 2020, Canberra yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc vi rút gây Covid-19, tiếp theo, cấm tập đoàn Huawei tham gia vào mạng 5G của Úc, và tham gia tập trận hải quân chung Malabar với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản sau 13 năm vắng bóng.

 

 

Nhiều mặt hàng của Úc đã phải chịu thuế, một số hình thức hạn chế hoặc cấm từ phía Trung Quốc bao gồm: thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, giáo dục, rượu, lúa mì và len. Những biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc được ước tính gây thiệt hại 2-4 tỉ USD về doanh thu cho các nhà xuất cảng Úc, theo AFP.

 

 

“Không cần phải liếm gót Trung Quốc”        .

 

Dù vậy, tính cuối năm, nền kinh tế Úc nhìn chung có phần tăng trưởng trở lại và thoát khỏi cuộc suy thoái do đại dịch Covid gây ra, theo AFP. Các doanh nghiệp Úc đang đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, thị trường mới để không bị phá sản và tránh phụ thuộc Trung Quốc.

 

 

Chẳng hạn, nhiều nhà sản xuất rượu vang Úc cho biết họ đang tìm kiếm các quốc gia đáng tin cậy hơn để hợp tác kinh doanh, như Mỹ cùng những quốc gia ở châu Âu và châu Á. Trả lời phỏng vấn đài ABC (Úc) ngày 2 tháng Một, giám đốc điều hành hãng rượu Taylors Wines (Úc), ông Mitchell Taylor nói: “Tôi nghĩ rằng thị trường Mỹ ổn định hơn rất nhiều vì không có sự can thiệp chính trị như tại Trung Quốc”.

 

 

Bên cạnh đó, ông Bruce Tyrrell, nhà sáng lập công ty rượu hàng đầu Úc Tyrrell's Wines, hoan nghênh việc đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc Trung Quốc, và nhấn mạnh: “Chúng ta không cần phải liếm gót Trung Quốc vì đó là điều Bắc Kinh muốn chúng ta làm”.

 

 

Chính phủ Úc cũng đang đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Anh Quốc và Ấn Độ để hỗ trợ các nhà xuất cảng rượu, giảm phụ thuộc Trung Quốc. Trước đó, hàng loạt quan chức cấp cao phương Tây tuyên bố ủng hộ rượu vang Úc sau khi Bắc Kinh, hồi tháng 12 năm 2020, tuyên bố áp thuế từ 107 - 212% đối với rượu vang Úc nhập cảng vào Trung Quốc.

 

 

Mặt khác, Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham, hôm ngày 16 tháng 12 năm2020, tuyên bố Canberra sẽ chính thức gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để yêu cầu điều tra mức thuế chống bán phá giá 80,5% của Trung Quốc đối với lúa mạch Úc trong vòng 5 năm.

 

 

Reuters dẫn lời nguồn tin tiết lộ chính phủ Úc chuẩn bị nhiều phương án hỗ trợ nông dân vì đã dự kiến vụ khiếu nại có thể kéo dài vài năm. Các nông dân trồng lúa mạch Úc bắt đầu trồng những loại ngũ cốc khác hoặc chuyển hướng sang thị trường Trung Đông. Theo Reuters, các nhà xuất cảng bông của Úc đang nỗ lực mở rộng thị trường sang Việt Nam, Thái Lan và các nước Châu Á khác.

 

 

Phát triển thị trường nội địa

Theo AFP, ngoài tìm kiếm thị trường mới, một số lĩnh vực như ngành xuất cảng tôm hùm đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, nhận được sự ủng hộ của người dân Úc lẫn chính quyền địa phương.

 

 

Cụ thể, chính quyền tiểu bang Tây Úc thay đổi luật, cho phép ngư dân bán tôm hùm đá trực tiếp cho người dân tại cảng với số lượng lớn trong tháng 12 năm 2020 và tháng Một năm 2021. Người dân trong nước nhiệt tình hưởng ứng, giúp ngư dân vượt qua khó khăn sau khi Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm nhập cảng gần như hoàn toàn đối với tôm hùm Úc.

 

 

Trước đại dịch Covid-19, giá tôm hùm cao nhất là 80 USD (1,8 triệu đồng)/kg ở Tây Úc và trung bình là khoảng 53 USD/kg. Trong nỗ lực phát triển thị trường nội địa, giá tôm hùm được giảm 36%, xuống còn 34 USD/kg. Điều này dẫn đến “cháy hàng”, buộc nhiều siêu thị ở Úc phải hạn chế số lượng mua của mỗi khách.

 

 

Dù vậy, đây chỉ được xem là giải pháp tạm thời và ngư dân Úc vẫn đang tìm cách mở rộng xuất khẩu tôm hùm sang các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu thay vì chỉ dựa vào mỗi Trung Quốc.

 

 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, chiếm 39,4% xuất khẩu hàng hóa và 17,6% xuất khẩu dịch vụ từ năm 2019-2020, theo công ty nghiên cứu Capital Economics (Anh). Chuyên gia Marcel Thieliant tại Capital Economics đánh giá tăng trưởng kinh tế ở Úc có thể giảm tới 2,8% nếu Bắc Kinh tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Úc.

 

 

Tuy nhiên, trong bài viết trên trang The Conversation, chuyên gia về Trung Quốc James Laurenceson tại Đại học Công nghệ Sydney (Úc) đánh giá biện pháp trừng phạt “kiểu tâm lý chiến” của Trung Quốc vốn mang động cơ chính trị và chỉ có thể gây tác động về ngắn hạn, khiến doanh nghiệp Úc gặp khó khăn tạm thời nên “chúng ta không cần phải hoang mang”. Theo ông Laurenceson, về lâu dài, Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn vì doanh nghiệp Úc đã gây dựng thị trường ổn định ở nơi khác.