Hành khách ghi danh lên máy bay tại Phi Trường Sydeney. Nguồn: Getty Images
Chính phủ Liên bang bảo vệ quyết định buộc những người Úc sống ở nước ngoài, muốn đến Úc, thì sau đó phải nộp đơn xin duyệt xét trường hợp ngoại lệ mới có thể quay về lại nước thường trú. Sự thay đổi này có hiệu lực từ ngày 11/8. Điều này sẽ khiến một vài người Úc gặp khó khăn đi lại hơn.
Đối với công dân Úc và thường trú nhân sinh sống ngoài nước Úc nhiều hơn trong nước, nay có thể gặp khó khăn hơn khi muốn du lịch giữa hai quốc gia trong đại dịch.
Chính phủ liên bang siết chặt các quy định về biên giới quốc tế, thay đổi lần này áp dụng cho những công dân Úc nhưng sinh sống ở các quốc gia khác bên ngoài nước Úc.
Nay họ sẽ cần phải nộp đơn xin duyệt xét về trường hợp ngoại lệ nếu muốn quay về nước họ thường trú.
Từ lúc bắt đầu đại dịch đến nay, công dân Úc sống tại các quốc gia khác đều được tự do rời khỏi Úc để quay về nước họ thường trú mà không cần nộp hồ sơ xin miễn trừ này.
Thường thì họ sẽ được phỏng vấn ngay tại cửa biên giới, và phải chứng minh rằng họ sống toàn thời gian ở nước ngoài.
Những thay đổi mới này sẽ ảnh hưởng đến bà Judith White, người Úc, người đã có nhà cửa ở thành phố Luân Đôn.
Phản ứng ngay lúc đó của tôi là ồ, thật sao, lại có thêm một trở ngại nữa nếu muốn rời khỏi Úc sao? Và còn có cảm giác lo lắng giống y như hồi năm ngoái, lúc tôi cố gắng đặt chỗ để về quê Úc. Nay những sự lo lắng đó lại nổi lên khi tôi muốn về lại Luân Đôn. Công ăn việc làm của tôi ở đó. Bạn đời của tôi ở Luân Đôn. Nhà tôi ở đó và toàn bộ cuộc sống của tôi đều ở đó. Nhưng tôi còn gia đình tôi ở Úc nữa. Đó là những người thân yêu mà tôi tha thiết mong được gặp mặt.
Bà White đã chuyển đến sống tại Vương quốc Anh cách đây 12 năm và bà luôn sống ở Anh kể từ đó.
Trước khi đại dịch xảy ra, cứ sáu hoặc 12 tháng, bà sẽ trở lại Úc thăm gia đình, bạn bè và nơi mà bà gọi là quê nhà.
Tổng trưởng Tài chánh Simon Birmingham nói chính sách này đưa ra nhằm giảm bớt số lượng công dân Úc đang sống ở nước ngoài chờ đợi để được đến Úc.
Chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều trường hợp mọi người rời khỏi đất nước thường trú của họ để đến Úc trong một khoảng thời gian ngắn, rồi sau đó ghi tên mình vào danh sách trở về nước thường trú. Điều này khiến tăng thêm áp lực và sự khó khăn trong việc quản lý số chỗ dành cho những người Úc đang lưu lạc thật sự muốn quay về nhà. Điều quan trọng đối với những người đang tìm cách rời khỏi Úc đó là họ phải xác định được có phải họ sẽ quay lại sống ở nơi mà họ đã thường trú lâu dài hay không và họ có một lý do thật sự thuyết phục để quay lại nơi đó hay không.
Hơn 38,000 người Úc bị kẹt lại ở nước ngoài đã ghi danh để trở về nhà.
Hơn 4,500 người trong số đó được xem là những người dễ bị tổn thương.
Chính phủ liên bang và tiểu bang đã đồng ý giảm xuống tới một nửa số lượng khách từ ngoại quốc vào Úc, do lo ngại về biến thể Delta của coronavirus.
Phát ngôn nhân về Y tế của Lao động, ông Mark Butler nói công dân Úc có quyền đến và đi khỏi Úc.
Thường các trường hợp mọi người quay về quê nhà Úc, là để ở bên người thân đang hấp hối hoặc trong một vài trường hợp khẩn cấp khác, vì vậy họ nên được quay lại quốc gia nơi họ thường trú nếu cần thiết, vì công việc và gia đình của họ đều ở nước ngoài. Đây thật sự là một vấn đề đối với chính phủ, cần phải giải thích lý do tại sao chính phủ lại đặt ra thêm những rào cản này đối với những người đã từng phải vượt qua trở ngại to lớn để có thể được quay về bên gia đình của họ ở Úc.
Tổng trưởng Nội vụ Karen Andrews cho rằng những sự thay đổi này khiến mọi người dân Úc đều đứng trên một vị trí bình đẳng với nhau về vấn đề đi lại quốc tế, cũng như khiến các biện pháp về biên giới được thống nhất hơn.
Trong thời gian đại dịch, luôn bị thiếu sự cân bằng giữa việc phải bảo vệ người dân trong nước Úc khỏi coronavirus và bảo vệ quyền của những người Úc ở nước ngoài.
Sự thay đổi này đưa ra khi thông tin mới được công bố liên quan đến cái gọi là số người chết vì COVID-19 bị che giấu.
Bộ Ngoại giao vừa xác nhận cho tới nay đã có 54 công dân Úc qua đời ở nước ngoài sau khi nhiễm coronavirus.
Trong số đó có ba trường hợp đã từng yêu cầu chính phủ liên bang giúp đỡ để có thể trở về nhà tại Úc.
Giới chức thừa nhận có thể số nạn nhân Úc tử vong vì COVID-19 ở nước ngoài vẫn chưa được báo cáo đầy đủ.