Grace Tame đoạt giải Người Úc Trong Năm 2021 (Australian of the Year). Nguồn: AAP
Phụ nữ đứng đầu tất cả các hạng mục của danh hiệu Người Úc Trong Năm 2021 nhờ có nhiều đóng góp cho xã hội.
Thủ tướng Scott Morrison đã công bố danh sách những người được tri ân tại một buổi lễ trang trọng ở Canberra tối hôm qua.
"Những phần thưởng này nhắc nhở chúng ta hàng năm những thành đạt của người Úc, những gì chúng cùng xây dựng cho đất nước, một đất nước đoàn kết và tự do. Đó là những nam nữ nỗ lực học hành, tham gia, đóng góp, quan tâm và chia sẻ ước nguyện biến nước Úc thành một nước Úc tốt đẹp hơn."
Người nhận danh hiệu Người Úc Trong Năm 2021 là cô Grace Tame, người Tasmania.
Cô đã bị thầy giáo hãm hiếp năm 15 tuổi. Lúc đó ông thầy giáo 58 tuổi này bị kết án và đi tù, nhưng suốt nhiều năm sau đó cô Tame không thể lên tiếng vì luật ở tiểu bang này không cho phép.
Cô được chọn là Người Úc Trong Năm nhờ công giúp đỡ các nạn nhân tương tự như cô và can đảm lên tiếng thúc giục thay đổi luật và nâng cao nhận thức của công chúng về hậu quả mà những đứa trẻ bị xâm hại tình dục phải chịu đựng.
Phát biểu khi nhận giải, cô Grace Tame nói đây là phần thưởng dành cho tất cả các nạn nhân.
"Hắn ta có thể công khai huyênh hoang về tội ác của hắn ta. Nhưng tôi lại bị luật pháp khóa miệng. Hãy lắng nghe tôi, chúng ta không phải im lặng như vậy nữa, tiếng nói của tôi đang hoà cùng tiếng nói của các bạn và sẽ không bị khóa miệng nữa!"
2021 Senior Australian of the Year Dr Miriam-Rose Ungunmerr Buumann AM from the Northern Territory. Nguồn: Salty Dingo
Danh hiệu Người Úc Cao Niên Trong Năm về tay nhà giáo, nghệ sĩ và nhà hoạt động thổ dân 73 tuổi, Tiến sĩ Miriam-Rose Ungunmerr Baumann.
TS Baumann quê ở Nauiyu, còn được gọi là sông Daly River ở lãnh thổ Bắc Úc. Bà là nhà giáo người thổ dân đầu tiên của Bắc Úc và có chân trong Hội đồng Thổ dân Quốc gia, và sáng lập Hội Miriam Rose vào năm 2013 đem văn hóa thổ dân đến gần với xã hội chính mạch.
TS Baumann kêu gọi người dân Úc hãy quan tâm tìm hiểu về người thổ dân.
"Tôi đã tập làm quen với hai nền văn hóa, nay là lúc các bạn hãy đến gần để hiểu chúng tôi sống thế nào và lắng nghe những nhu cầu trong cộng đồng của chúng tôi. Khi bạn ra khỏi nơi yên ổn của bạn để đến với chúng tôi, tôi mong các bạn mang theo kiến thức và sự khôn ngoan của bạn nhưng đồng thời cũng học hỏi cách sống của chúng tôi. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau ở giữa để hiểu những vấn đề của người thổ dân và giúp cho cộng đồng chúng tôi tốt đẹp hơn cho lớp trẻ thổ dân."
Sinh viên Y khoa và doanh nhân xã hội Isobel Marshall quê ở nam Úc được trao giải Người Úc Trẻ Trong Năm. Năm 18 tuổi cô Marshall đồng sáng lập công ty xã hội TABOO giúp phụ nữ trên thế giới gặp thiếu thốn trong lúc có kinh nguyệt.
TABOO hợp tác với trung tâm phụ nữ của tổ chức từ thiện Vinnies, cung cấp băng vệ sinh cho những phụ nữ vô gia cư ở Nam Úc. Cô Marshall nói vẫn còn phụ nữ ở Úc vẫn bị thiếu thốn khi có kinh nguyệt.
"Thiếu thốn trong lúc có kinh nguyệt là có thực. Ngay cả ở Úc cũng gặp vấn đề này. Chúng tôi thấy học sinh đi học mà không có băng vệ sinh. Phụ nữ chạy trốn bạo hành gia đình cũng thiếu thốn. Con gái đau bụng kinh không được chữa trị. Chúng tôi tin vào một cuộc sống có trách nhiệm vì không phải ai cũng may mắn như bạn. Chúng ta hãy xóa bỏ thiếu thốn trong lúc có kinh nguyệt trên thế giới."
Rosemary Kariuki, sống ở Oran Park, tiểu bang NSW, nhận giải Người Hùng Địa Phương Năm 2021 (2021 Australia’s Local Hero) Nguồn: Salty Dingo
Trong khi đó giải Người Hùng Địa Phương năm nay được trao cho bà Rosemary Kariuki, 60 tuổi, ở New South Wales.
Năm 1999 bà Kariuki trốn khỏi Kenya qua Úc tị nạn. Nay bà giúp phụ nữ trong cộng đồng kết nối để hỗ trợ nhau.
Bà Kariuki hiện đang làm nhân viên liên lạc cộng đồng cho trạm cảnh sát Parramtta, tây Sydney, trợ giúp di dân trong hoàn cảnh khó khăn về tài chánh, trở ngại ngôn ngữ, hay là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Nhớ lại lúc mới qua Úc cô đơn thế nào, bà Kariuki giúp phụ nữ hội nhập vào cuộc sống mới.
"Chúng ta sống trong một đất nước đa văn hóa với hơn 270 nền văn hóa khác nhau, chaư kể văn hóa thổ dân. Nhưng thường chúng ta chỉ biết có văn hóa của mình mà không chia sẻ với văn hóa khác. Cũng như bao di dân và tị nạn tôi rất cô đơn khi đến Úc, tôi muốn thấy mọi người Úc, di dân, tị nạn, tất cả những ai xem Úc là nhà hãy mở cửa chào đón những người láng giềng của mình. Gõ cửa nhà họ, làm quen với họ, hãy cùng tổ chức barbecue trong xóm và mời mọi người đến dự."
Là đối tác của Hiệp hội Phụ nữ Phi Châu, bà Kariuki tổ chức những buổi dạ tiệc khiêu vũ thu hút 400 phụ nữ tham gia hàng năm.
Bà cũng là người sáng lập khu chợ Phi Châu làm nơi khuyến khích và trợ giúp các di dân và tị nạn kinh doanh. Bà Kariuki được những người trong cộng đồng người Kenya gọi bằng cái tên trìu mến là ‘Big Mama'.
"Cửa nhà tôi luôn rộng mở. Giáng Sinh bạn có thể đến nếu như không biết đi đâu, có rất nhiều sinh viên quốc tế đang xa cha mẹ sống ở đây. Chúng biết nếu đến gõ cửa nhà mẹ Rosemary, cửa sẽ mở. Đây là nhà của chúng. Chúng nấu ăn, dọn dẹp sau khi ăn, và quây quần trò chuyện như lúc ở nhà vậy."
Một nhà kinh doanh xã hội người Việt là bà Huỳnh Bích Cẩm, giám đốc điều hành Hội Phụ Nữ Việt Úc ở Melbourne đã được đề cử cho danh hiệu Người Cao Niên Trong Năm Toàn Quốc, và giành được danh hiệu Người Úc Cao Niên Trong Năm của Victoria.