Dọn dẹp tủ quần áo của bạn có thể mang lại niềm vui đồng thời giải quyết vấn đề mua sắm quá mức. Ảnh: Cavan Images/Getty Images

 

 

AUSTRALIA - Người Úc bỏ hơn 200,000 tấn quần áo ra bãi rác mỗi năm, bình quân mỗi người bỏ khoảng 10 kg quần áo. Điều đó tạo ra cuộc khủng hoảng rác thải dệt may ở Úc. Nhưng câu chuyện sẽ khác nếu chúng ta chọn cách tái chế, quyên góp hoặc trao đổi quần áo không dùng nữa.

 

Hội đồng Thời trang Úc báo cáo rằng bình quân mỗi người ở Úc mua 56 bộ quần áo mới mỗi năm.

 

Quần áo của chúng ta, đặc biệt là thời trang nhanh, có thể mau bị cũ, hư hỏng hoặc nhàm chán. Vì vậy chúng ta cần phải xử lý quần áo cũ một cách có trách nhiệm, tránh đưa vào bãi rác bằng cách quyên góp và tái chế.

 

Đừng bỏ quần áo vào thùng tái chế của gia đình

 

Rebecca Gilling, Giám đốc điều hành của Planet Ark, giải thích: “Quy tắc vàng là không bỏ quần áo, giày dép, vải, khăn trải giường, khăn tắm hoặc bất kỳ loại vải dệt nào khác vào thùng tái chế ở lề đường của bạn”.

“Nếu hàng dệt may bị bỏ vào thùng rác sẽ không thể được tái chế qua hệ thống đó, mà lại bị cuốn vào máy tái chế và làm đình trệ mọi thứ.”

 

Thay vì làm như vậy, bạn có thể đặt dịch vụ thu gom trực tuyến. Bạn cần trả một khoản phí để một doanh nghiệp đến lấy quần áo không dùng nữa của bạn và thu xếp để tái chế hoặc tái sử dụng chúng.

 

 

Ảnh: Moment RF / Andrew Merry/Getty Images

 

 

Quyên góp quần áo cho ‘op shop’

Người Úc thích quyên góp quần áo không dùng nữa cho tổ chức từ thiện. Sẽ chẳng mất gì khi bỏ quần áo của bạn tại một cửa hàng từ thiện - được gọi là 'op shop' - hoặc bỏ vào thùng từ thiện trong khu mua sắm của bạn.

 

Các 'Op shop' trên khắp nước Úc tạo ra thu nhập gần một tỷ đô la cho những người cần giúp đỡ, nhờ việc bán quần áo quyên góp.

 

Tuy nhiên, dù có ý định tốt như thế nào thì chúng ta cũng phải cẩn thận với những gì mình quyên góp.

 

Bà Gilling nói: “Chúng tôi không muốn mọi người quyên góp những thứ không thể mặc được, quá cũ hoặc lỗi thời, vì khi đó chúng phải được chuyển đến bãi rác và tốn một khoản chi phí đối với tổ chức từ thiện”.

“Các cửa hàng từ thiện hiện chi khoảng 13 triệu đô la mỗi năm để xử lý quần áo và đồ vật không dùng được nữa bị bỏ vào thùng rác của họ”.

 

Theo Omer Soker, Giám đốc điều hành của Charitable Recycling Australia, có một cách đơn giản để đánh giá chất lượng của đồ quyên góp.

Ông Omer Soker nói “Nếu bạn không thể tặng nó cho bạn bè thì xin đừng tặng nó cho tổ chức từ thiện.”

 

Bạn có thể tìm thấy danh sách các cửa hàng trên khắp nước Úc tại Charitable Recycling Australia, bao gồm:

  • Salvos
  • Vinnies
  • Australian Red Cross
  • Save the Children
  • Lifeline
  • Anglicare
  • Brotherhood of St Laurence

 

Trang web Charityrecycling.org.au cũng có công cụ tính 'tác động tái sử dụng' để tính toán lượng khí thải carbon mà bạn ngăn chặn được với mỗi khoản quyên góp mà bạn thực hiện.

 

 

Nhân viên đang phân loại quần áo tại Hiệp hội St Vincent de Paul, một tổ chức tái chế quần áo từ thiện lớn ở Sydney. Nguồn: AFP / PETER PARKS/AFP via Getty Images

 

 

Gửi quần áo của bạn đi tái chế

Nếu quần áo của bạn không đủ tiêu chuẩn để được quyên góp, hãy tìm kiếm chương trình tái chế tại một số nhà bán lẻ quần áo lớn.

 

Bà Gilling cho biết: “H&M có chương trình tái chế miễn phí tại một số cửa hàng chọn lọc đối với tất cả các loại quần áo và hàng dệt may ở bất kỳ tình trạng nào”.

“Tương tự, Zara có chương trình thu thập hàng dệt may miễn phí tại một số cửa hàng chọn lọc. Uniqlo có chương trình tái chế miễn phí quần áo mang nhãn hiệu riêng của họ trong mọi điều kiện. Và Patagonia có chương trình trao đổi quần áo yêu thích trước đó của chính họ, nơi khách hàng có thể trả lại quần áo cũ hoặc hư để lấy thẻ tích điểm của cửa hàng.”

 

Để tìm một cửa hàng có chương trình tái chế, hãy truy cập Recyclenearyou.com.au.

 

Hội đồng địa phương của bạn cũng có thể có cơ sở nhận đồ tái chế.
 

Planet Earth nhận quyên góp giày thể thao ở NSW, Victoria và Queensland. Họ là một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp giày chạy bộ đã qua sử dụng nhưng chất lượng còn tốt cho những người có nhu cầu trên toàn cầu.

 

 

Tham gia các sự kiện trao đổi quần áo

Các sự kiện trao đổi quần áo như sự kiện do The Clothing Exchange tổ chức đang trên đà phát triển.

 

 

Adam Worling, Ủy viên Hội đồng thành phố Sydney, giải thích: “Việc trao đổi quần áo mà chúng tôi đang thực hiện với The Clothing Exchange ở Sydney là một cơ hội tuyệt vời để mọi người mang đến những bộ quần áo có thể không vừa với họ nữa hoặc có thể họ đã hết yêu thích chúng”.

 

Thật thú vị khi dọn dẹp tủ quần áo của bạn đồng thời giải quyết vấn đề tiêu thụ quá mức.

 

Ủy viên Hội đồng Worling nói: “Những gì chúng tôi cũng đang làm là hạn chế quần áo bị bỏ vào thùng rác và thực sự mang đến cho ai đó cơ hội yêu thích thứ mà bạn từng yêu thích”.

 

Hãy vào trang The Clothing Exchange để biết các sự kiện trao đổi quần áo sắp tới trên toàn quốc.

 

Bức ảnh này được chụp tại một sự kiện trao đổi quần áo. Nguồn: Moment RF / Marissa Powell/Getty Images

 

 

 

Hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn

Chúng ta cần xem xét toàn bộ vòng đời của quần áo. Tổ chức Tái chế Từ thiện Úc đang đấu tranh cho một 'nền kinh tế tuần hoàn', nơi tất cả chúng ta đều hướng đến việc giảm mức tiêu thụ, tái sử dụng và tái chế ở bất cứ nơi nào có thể.

 

Ông Omer Soker, giám đốc điều hành của tổ chức Charitable Recycling Australia, nói “Đó thực sự là việc trở thành người quản lý tốt cho các sản phẩm.”

“Điều có ý nghĩa đối với quần áo là chỉ mua những món đồ bạn thực sự cần, giữ chúng bền lâu, sửa chữa chúng và khi bạn không muốn dùng chúng nữa mà chúng vẫn còn tốt thì hãy quyên góp cho tổ chức từ thiện để họ có thể tìm một ngôi nhà khác cho chúng,”

“Hoặc nếu chúng ở tình trạng xấu hoặc cần phải xử lý, hãy tìm một kênh thích hợp.”