Ý kiến trái chiều trước kế hoạch cắt giảm di cư ròng của chính phủ. Ảnh: Unsplash/yousef alfuhigi (SBS)

 

 

AUSTRALIA - Phe đối lập liên bang tuyên bố các cải tổ di trú của chính phủ sẽ làm cho cuộc khủng hoảng nhà ở trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh thiếu hụt thợ lành nghề. Bình luận này làm dấy lên lo ngại rằng các đảng chính trị lớn đang sử dụng người nhập cư làm vật tế thần, trong khi các nhóm kinh doanh và nghiệp đoàn phần lớn hoan nghênh những thay đổi này.

 

Chính phủ có kế hoạch giảm một nửa số di cư ròng trong hai năm tới bằng cách giảm số lượng sinh viên quốc tế, đồng thời thu hút nhiều lao động có tay nghề cao hơn.

 

Trọng tâm của kế hoạch cải tổ quá trình nhập cư là Visa Kỹ năng theo Yêu cầu (Skills in Demand Visa).

 

Nó sẽ rút ngắn thời gian xử lý thị thực xuống chỉ còn bảy ngày đối với những người lao động nộp đơn xin việc có mức lương trên 135.000 đô-la.

 

Nhưng biện pháp này, được gọi là con đường kỹ năng chuyên môn, sẽ loại trừ thương nhân, người vận hành máy móc và người lao động phổ thông.

 

Thay vào đó, họ sẽ được tiếp nhận theo một diện khác dành cho những người lao động thiết yếu với thời gian xử lý thị thực chậm hơn.

 

Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton nói rằng đó là một sai lầm.

 

Ông Peter Dutton nói “Các ông quản lý chính phủ kiểu nào, vào thời điểm khủng hoảng xây dựng, khi chúng ta không thể có được một thợ xây, chắc chắn không đủ tiền để thuê người, vậy mà lại quyết định đóng cửa với các thợ lành nghề muốn vào Úc?”

“Đó hoàn toàn là một quyết định sai lầm, sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng chi trả nhà ở, hoàn toàn trái ngược với những gì chính phủ đang hứa hẹn." 

 

Giám đốc điều hành của Master Builders Australia, ông Denita Wawn, hoan nghênh chiến lược tổng thể nhưng cũng thất vọng vì yếu tố này.

Ông nói "Chúng tôi cho rằng điều đó không cần thiết, nhưng chúng tôi sẵn sàng làm việc với chính phủ. Thật đáng thất vọng khi chúng ta xem xét chi tiết của báo cáo, cùng với câu trả lời của Bộ trưởng cho các câu hỏi trong cuộc họp báo rằng chúng ta phải chứng minh là có sự thiếu hụt. Tôi nghĩ chúng ta đã làm điều đó rồi, đó sẽ là một cuộc chiến khó khăn để đáp ứng được số lượng thợ xây mà chúng tôi cần."

 

Chính phủ đang đặt mục tiêu đưa lượng di cư ròng, số lượng người mới đến so với số người rời đi giảm từ 510.000 năm ngoái xuống còn 250.000 vào năm 2025.

 

Nhưng Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton đang chọn tập trung vào vấn đề di cư tổng thể.

"Hóa ra họ đang tăng chương trình di cư lên 130.000 người. Hơn 1,6 triệu người trong 5 năm tới. Điều đó sẽ gây áp lực rất lớn về nhà ở."

 

Lãnh đạo đảng Xanh, Adam Bandt, cáo buộc ông Dutton đổ lỗi không công bằng cho người nhập cư và chính phủ cúi đầu trước áp lực của Liên đảng.

Ông nói “Di cư không gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở của Đảng Lao động. Đó là vì Đảng Lao động ủng hộ việc tăng tiền thuê nhà không giới hạn, tăng lãi suất, không xây dựng đủ nhà ở công và nhà có giá cả phải chăng.”

“Đó là nguyên nhân khiến chúng ta rơi vào cuộc khủng hoảng nhà ở mà chúng ta đang gặp phải. Bây giờ là Đảng Lao động cùng Đảng Tự do đổ lỗi cho việc di cư gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở.”

 

Đó là quan điểm được lặp lại bởi Carlo Carli, từ Liên đoàn Hội đồng Sắc tộc Úc (FECCA).

"Có rất nhiều người muốn đổ lỗi cho người nhập cư và dùng họ làm vật tế thần cho chính sách di cư. Chúng ta phải chống lại điều đó. Lý do cho những cải tổ này là hệ thống trước đây đã bị phá vỡ, hệ thống trước đây cần được thắt chặt hơn. Chúng tôi tin rằng rằng những con đường được nêu bật trong thông báo ngày hôm nay thực sự tích cực."

 

Cựu Bộ trưởng Bộ Di trú Abul Rizvi nói rằng Liên đảng đã góp phần vào sự bùng nổ về di cư.

"Theo nhiều cách, sự bùng nổ về di cư ròng một phần là lỗi của Liên đảng. Chính phủ Liên minh vào đầu năm 2022 đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm tăng tốc về nhập cư, kết quả là số lượng người nhập cư, đặc biệt là sinh viên và những du khách ba lô vừa du lịch vừa làm việc, đã bùng nổ rất nhanh."

 

 

Đầu bếp Massimo Calosi, từ Ý đến Úc theo thị thực làm việc trong kỳ nghỉ vào năm 2016.

 

Anh làm việc trong một quán cà phê và bị trả lương bằng tiền mặt thấp, không nhận được tiền hưu bổng, trước khi chuyển đến một nhà hàng không trả lương làm việc ngoài giờ.

 

Anh cho biết việc bóc lột công nhân có thị thực tạm thời diễn ra tràn lan trong ngành khách sạn.

 

Trong khi kế hoạch di cư nhằm mục đích giải quyết tình trạng bóc lột, chủ yếu thông qua các biện pháp giúp người lao động với visa ngắn hạn dễ dàng thay đổi nơi làm việc hơn, anh Calosi không tin rằng chiến lược này bảo vệ đủ cho những người lao động được trả lương thấp.

"Ngay cả sau thông báo mới nhất ngày hôm qua, hệ thống di trú của Úc cũng không phải là một hệ thống cho phép mọi người ở lại đây lâu dài, cấu trúc này tạo ra tình trạng lấp lửng về thị thực tạm thời. Thật không may, những người lao động có thị thực tạm thời là những người dễ bị tổn thương, bởi vì trên thực tế, họ luôn ngại lên tiếng."

 

Chính phủ cũng đang lên kế hoạch thực hiện các biện pháp cứng rắn đối với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và sinh viên quốc tế không đủ trình độ tiếng Anh, không thực sự nghiêm túc trong việc học tập.

 

Không loại trừ khả năng giới hạn số lượng sinh viên quốc tế nếu số lượng nhập cư tiếp tục gia tăng.

 

Nhưng cựu Bộ trưởng Bộ Di trú Abul Rizvi nói rằng việc đặt ra giới hạn cho sinh viên sẽ rất hỗn loạn và khó thực hiện.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta tập trung quá nhiều vào lợi ích xuất khẩu giáo dục của sinh viên nước ngoài mà không tập trung đủ vào lợi ích của họ, những người sẽ trở thành công dân Úc và làm việc ở Úc đến hết đời, đóng thuế và đóng góp cho nước Úc.”

“Điều thứ hai quan trọng hơn rất nhiều so với doanh thu xuất khẩu mà các trường đại học kiếm được. Tôi nghĩ đã đến lúc chính phủ Úc phải thay đổi quan điểm và nói rõ điều đó với người dân Úc."