Công ty hàng không vũ trụ TiSPACE của Đài Loan đang lên kế hoạch cho ba lần phóng hỏa tiễn từ tiểu bang Nam Úc vào năm 2021, giữa những hy vọng rằng sự kiện này sẽ tạo ra sự thúc đẩy cho ngành công nghiệp vũ trụ của Úc.

 

 

 

Việc phóng hỏa tiễn của Đài Loan tại tiểu bang Nam Úc được các chuyên gia coi là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Úc. Ảnh: Matthias Kulka / Getty Images

 

 

 

 

 

Vụ phóng hỏa tiễn hương mại đầu tiên của Úc sẽ diễn ra ở tiểu bang Nam Úc trong năm nay, sau khi nhận được sự chấp thuận của chính phủ liên bang.

 

 

Một thông tin đã được thông báo vào hôm thứ Hai rằng công ty hàng không vũ trụ Úc - Southern Launch - sẽ đưa một hỏa tiễn của Đài Loan vào không gian sau khi được cấp giấy phép phóng hỏa tiễn.

 

 

Công ty hàng không vũ trụ của Đài Loan - TiSPACE - sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm ở quỹ đạo thấp của hỏa tiễn Hapith I của họ. Hỏa tiễn sẽ được phóng đi từ Tổ hợp Phóng hỏa tiễn vũ trụ Whalers Way Orbital Launch Complex của công ty hàng không vũ Southern Launch, nằm trên Bán đảo Eyre (Eyre Peninsula) ở tiểu bang Nam Úc.

 

 

Phát ngôn viên của công ty Southern Launch cho biết: “Chúng tôi vẫn đang làm việc với các cơ quan chính phủ, bao gồm Cơ quan Vũ trụ Úc (Australian Space Agency), công ty hàng không vũ trụ TiSPACE và các bên liên quan khác về lịch trình phóng hỏa tiễn”.

 

 

Hapith, có nghĩa là sóc bay trong tiếng Saisiyat, một ngôn ngữ bản địa của Đài Loan. Hapith là một loại hỏa tiễn dài 10 mét. Vụ phóng thử nghiệm này sẽ đưa loại hỏa tiễn này tới quỹ đạo thấp của Trái đất: hỏa tiễn sẽ bay tới không gian vũ trụ, ở độ cao hơn mực nước biển ít nhất 100km, nhưng sẽ không đi vào quỹ đạo vũ trụ và rơi trở lại Trái đất, trên đại dương.

 

 

Vụ phóng này để kiểm tra động cơ đẩy, hệ thống dẫn đường và thu thập dữ liệu của hỏa tiễn.

 

 

Trong một tuyên bố vào hôm thứ Hai, công ty TiSPACE cho biết: “Hai vụ phóng hỏa tiễn nữa  vào quỹ đạo thấp, và một số vụ phóng vào quỹ đạo trái đất đã được lên kế hoạch theo sau vụ phóng thử nghiệm này”.

 

 

Công ty cho biết họ có kế hoạch phóng ba hỏa tiễn lên quỹ đạo thấp từ cơ sở phóng hỏa tiễn Whalers Way trước cuối năm 2021.

 

 

Nếu thành công, hỏa tiễn Hapith I sau cùng sẽ được sử dụng để đưa vệ tinh nặng tới 390kg vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp, ở độ cao lên tới 700km.

 

 

Alice Gorman, giáo sư tại Đại học Flinders, cho biết thông báo này là một bước tiến thực sự quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ trụ thương mại của Úc.

 

 

Giáo sư Gorman cho biết cuối cùng vệ tinh sẽ có thể được phóng từ Úc lên cả quỹ đạo địa tĩnh - vốn yêu cầu địa điểm phóng hỏa tiễn phải ở gần xích đạo - và quỹ đạo địa cực, trong đó vệ tinh đi qua các cực bắc và cực nam của Trái đất.

 

“Đặc biệt đối với các nước láng giềng trong khu vực của chúng ta, những quốc gia đang cố gắng bắt đầu các chương trình không gian của họ, điều này là hoàn hảo.”

 

“Nước Úc đã ở trong trò chơi khởi động ngay từ đầu của toàn bộ sự việc, ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tại bãi phóng Woomera, ở tiểu bang Nam Úc, các vụ phóng hỏa tiễn đã diễn ra liên tục trong vài thập niên.”

 

“Chúng tađang dựa trên di sản đó cho đến ngày nay, nhưng chúng ta đang làm điều đó trong hoàn cảnh mới”.

 

 

TiSPACE - công ty vũ trụ tư nhân đầu tiên của Đài Loan - ban đầu đã lên kế hoạch phóng thử hỏa tiễn của mình trong nước, nhưng được cho là đã gặp phải các vấn đề để được chấp thuận cho một địa điểm phóng hỏa tiễn ở Đài Loan.

 

 

Công ty Southern Launch đã được cấp giấy phép hoạt động vào tháng Bảy cho địa điểm phóng Whalers Way, trong bối cảnh các nhóm bảo tồn phản đối. Công ty đã được cấp giấy phép để xây dựng một bãi phóng tương tự cho việc thử nghiệm ở Koonibba vào tháng Ba.

 

 

Giáo sư Gorman cho biết rác không gian là một mối quan tâm trước sự gia tăng của các nhà khai thác không gian thương mại trên toàn cầu. Ông nói “Cơ quan vũ trụ Úc đang giám sát tất cả những điều đó và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể yên tâm rằng các nhà khai thác địa phương của chúng ta sẽ hành xử có trách nhiệm.”

 

 

Vào thứ Hai, Christian Porter, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ, đã công bố phê duyệt cho vụ phóng hỏa tiễn. Ông nói: “Đây là một kết quả quan trọng trong việc thiết lập khả năng phóng hỏa tiễn thương mại của Úc, và chứng minh những gì đất nước chúng ta có thể cung cấp cho lĩnh vực vũ trụ quốc tế”.

(Theo theguardian.com)