Trong lúc đại dịch tiếp tục lây lan ở Úc cũng như trên toàn cầu, các nhà khoa học Úc đang thực hiện một cuộc nghiên cứu độc đáo tìm hiểu hệ miễn nhiễm của con lạc đà không bướu lông len (Alpaca) để sử dụng chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Nếu bạn lái xe về miền quê ở Bairnsdale, Gippsland, tiểu bang Victoria, bạn sẽ nhìn thấy những con lạc đà không bướu lông len.
Nhỏ hơn những con lạc đà thường thấy trong sa mạc, alpaca có bộ lông xù rất dễ thương. Theo các nhà khoa học Úc, chúng có thể giữ chìa khóa cho việc chữa trị coronavirus.
Phó Giáo sư Wai-Hong Tham là đồng giám đốc của bộ phận bệnh truyền nhiễm và miễn nhiễm của học viện nghiên cứu Walter and Eliza Hall Institute (WEHI).
"Điều đầu tiên mọi người hỏi tôi từ khi có đại dịch là sao kháng thể của mấy con lạc đà của bà ra sao rồi."
Kháng thể của lạc đà không bướu có tiềm năng chống lại Covid-19. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Nguyên tử và Công nghệ Úc (ANSTO) đã hợp tác với viện nghiên cứu WEHI để tìm hiểu khả năng sử dụng kháng thể của lạc đà trong việc chữa trị Covid-19.
Đây không phải là đi tìm vaccine mà là giúp cho cơ thể chống lại coronavirus. Phó Giáo sư Tham nói nếu thành công sẽ giúp được rất nhiều người cao niên.
"Chúng tôi không chế tạo vaccine. Chúng tôi nghiên cứu liệu pháp kháng thể, tức đưa kháng thể chống virút vào cơ thể bệnh nhân. Chúng ta biết vaccine là quan trọng nhưng điều quan trọng nữa là cơ thể có khả năng chống lại nhiễm trùng. Đa số cơ thể của chúng ta đều có khả năng này, nhưng một số không có khả năng chống lại nhiễm trùng một cách hữu hiệu. Trong trường hợp đó chúng ta đưa vào kháng thể mà cơ thể cần. Liệu pháp này có thể sử dụng trong các cơ sở chăm sóc cao niên như là một biện pháp phòng ngừa cũng được."
Các nhà nghiên cứu tiêm virút Sars-CoV-2 cho lạc đà để thu lượm các mảnh nhỏ kháng thể đang tạo ra phản ứng miễn nhiễm, rồi đưa vào cơ thể bệnh nhân, để giúp cơ thể chống lại virút.
Giáo sư Michael James chuyên về phân bào tại học viện nghiên cứu Australian Schyncrotron giải thích tại sao lạc đà không bướu lại được dùng đến trong cuộc nghiên cứu này.
"Lạc đà không bướu có hệ miễn nhiễm rất đặc biệt. Khi ta bị nhiễm khuẩn, hệ miễn nhiễm của chúng ta sẽ tạo ra kháng thể để tiêu dịêt kẻ lạ. Lạc đà không bướu lại tạo ra thêm một phó sản của kháng thể gọi là nanobody. Chúng có vẻ thu hút khuẩn đang xâm nhập cơ thể rất tốt. Chúng tôi tìm hiểu xem các phó sản kháng thể của lạc đà hoạt động thế nào để chế thuốc chữa trị các loại nhiễm khuẩn như Covid-19."
Sử dụng những kỹ thuật phân bào tối tân nhất Giáo sư Tham cho biết toán nghiên cứu bắt tay vào việc ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch, với kết quả ban đầu có nhiều hứa hẹn.
"Chúng tôi bắt đầu làm việc từ tháng Ba, đến tháng Sáu thì chính phủ tài trợ cho dự án này cùng với 5 dự án tương tự. Hiện chúng tôi đã có thể thu được kháng thể của lạc đà đang chống coronavirus. Chúng tôi thấy cơ thể lạc đà phản ứng rất tốt. Nay thì chúng tôi nhân các gen sản xuất phó sản kháng thể của lạc đà. Chúng tôi đã nhận dạng được một số gen có khả năng đó trong cơ thể lạc đà."
Cách thức hoạt động của kháng thể lạc đà không bướu đầu tiên được lưu ý đến vào năm 2002 khi các nhà khoa học tìm cách đối phó với dịch SARS.
Giáo sư James rất tự hào với công việc của toán nghiên cứu làm việc trong điều kiện phong tỏa ở Victoria như hiện nay.
"Mặc dù Melbourne đang bị phong tỏa giai đoạn 4 nhưng chúng tôi vẫn hoạt động dù với ít nhân sự hơn, do phần lớn phải làm việc từ nhà. Tôi vô cùng hãnh diện về toán nghiên cứu đang tận tụy tìm cách chống la9i Covid."
Khi mà số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua 20 triệu, với 736.000 người thiệt mạng, các nhà khoa học trên thế giới chạy đua với thời gian. Sau này nhìn lại các nhà khoa học như toán nghiên cứu của Phó Giáo sư Tham sẽ cảm thấy tự hào đã góp phần cứu mạng người.
"Thực là vinh dự cho chúng tôi có thể làm việc trong dự án như thế này, cùng làm việc với cộng đồng khoa học ở Úc và cùng chia sẻ với khắp thế giới thực là phấn khích."