Nhân viên sân bay và nhân viên Không Quân Hoàng Gia Úc Đại Lợi chuyển các kiện hàng viện trợ nhân đạo do máy bay C-17A Globemaster III vận chuyển đến Phi Trường Port Vila ở Vanuatu ngày 13 tháng 4 năm 2020. Bộ Quốc phòng Úc / REUTERS

 

SYDNEY (Reuters) – Các viên chức ở phi trường Vanuatu cho hay một máy bay của Không Quân Hoàng Gia Úc Đại Lợi (RAAF) mang theo các mặt hàng viện trợ bay tới cho Vanuatu, nơi bị ảnh hưởng của cơn lốc xoáy,  đã bay quay trở về Úc vào hôm Chủ nhật khi một máy bay Trung Quốc có thiết bị y tế đã có mặt trên phi đạo.

 

Theo Reuters, vụ việc xảy ra cuối tuần rồi. Các quan chức Phi Trường Vanuatu cho biết máy bay Úc sau khi vượt quãng đường 2,000 cây số (km) đã quyết định quay về Úc mặc dù trạm kiểm soát không lưu thông báo máy bay này có thể hạ cánh.

 

Lúc đó, một máy bay Trung Quốc chở thiết bị y tế do tỉnh Quảng Đông quyên tặng để giúp Vanuatu chống dịch coronavirus đang đậu dưới sân bay. Máy bay này hạ cánh xuống phi trường Port Vila vào hôm ngày 11 tháng Tư.

 

Giám đốc điều hành phi trường Vanuatu, Jason Rakau, nói với Reuters: "Máy bay Trung Quốc đậu ở tít cuối phi đạo. Phi đạo vẫn còn trống tới 2 cây số (km). Chúng tôi bảo rằng phi đạo đã trống và họ có thể hạ cánh,  nhưng họ lại quay về".

 

Hôm thứ Tư, nữ phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Úc Đại Lợi cho biết, máy bay của họ đã không thể hạ cánh an toàn.

 

Nữ phát ngôn viên này nói trong một thông báo gởi cho Reuters cho biết “Có một chiếc máy bay khác - một chuyến bay A320 thuê bao đến từ Trung Quốc - đã bị chậm trễ trong việc dỡ hàng hóa viện trợ nhân đạo của họ tại phi trường Port Vila làm cho chiếc máy bay RAAF C-17A không thể hạ cánh an toàn,”

 

“Chúng tôi đang thảo luận về lý do đằng sau sự cố đáng tiếc này với tất cả các bên để đảm bảo rằng sự việc không bị lặp lại”.

 

 

Cao Ủy Vauatu Úc Đại Lợi nói trong một tuyên bố rằng chiếc máy bay của RAAF đã trở lại Vanuatu vào hôm thứ Hai, cung cấp hàng cứu trợ, bao gồm bộ dụng cụ trú ẩn, chăn và đèn lồng năng lượng mặt trời, như một phần của kế hoạch cứu trợ trị giá 4 triệu Úc kim.

 

Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Các Quần đảo Thái Bình Dương (Pacific Islands Program) tại Học Viện Lowy (Lowy Institute), một nhóm chuyên gia về chính sách đối ngoại của Úc, cho biết sự cố vừa rồi ở sân bay là “sự việc kỳ lạ”.

 

 

 

Pryke nói với Reuters rằng “Điều phối là việc rất quan trọng. Khi cả hai bạn đang cố gắng giúp đỡ, ngay cả khi bạn không làm việc cùng nhau, thì ít nhất cũng rõ ràng ra cho biết ai làm việc gì,”

 

“Tin tốt là các mặt hàng viện trợ từ Úc đã đến được Vanuatu, chỉ hơi mất thời giờ 1 chút xíu”.

 

Liên Hợp Quốc cho biết, cơn bão nhiệt đới Harold đã đổ bộ vào đảo quốc này hôm ngày 6 tháng 4, phá hủy hơn 1,000 trường học và 90% nhà cửa ở khu vực bị thiệt hại nặng nhất ở Sanma. Truyền thông địa phương đưa tin hai người đã thiệt mạng.

 

Nước Úc, theo truyền thống là nhà tài trợ viện trợ lớn nhất cho các đảo ở Thái Bình Dương, đang tìm cách tăng cường cam kết với khu vực vì lo ngại Úc có nguy cơ bị làm lu mờ bởi viện trợ và hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

 

Vanuatu đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, và hàng viện trợ đến từ Trung Quốc và Úc đã được sắp xếp bởi các nhân viên mặc đồ bảo hộ cá nhân.

 

Truyền thông địa phương đưa tin, quyền thủ tướng Vanuatu, Charlot Salwai, cho biết thiết bị thử nghiệm nhanh đến từ Trung Quốc là rất cần thiết cho các bệnh viện.