Những thực phẩm tươi ngon không thể thấy trong siêu thị có thể được tìm dễ dàng thông qua mô hình nông nghiệp cộng đồng tại thành phố Perth, Úc.
Một nông dân ở Úc đang thu hoạch rau củ, đóng hòm, rồi gửi trực tiếp cho những người đã đặt mua từ đầu vụ. Ảnh: Getty.
Nông dân Declan McGill và Melissa Charlick bán hộp nông sản của họ thông qua mô hình Nông Nghiệp Cộng Đồng (Community Supported Agriculture - CSA), nơi khách hàng mua trực tiếp từ nông dân - trả trước hoặc trả nhiều lần để tài trợ cho mùa trồng trọt sắp tới.
Nó giống như việc bạn có cổ phần trong một trang trại địa phương và cổ tức của bạn là một hộp rau tươi hái thông thường, gồm bí xanh, cà chua bi, củ cải, dưa hấu hoặc bất cứ thứ gì đang phát triển trong đất ngay lúc này.
Đó là khoản đầu tư vào nông dân, đồng thời bảo vệ họ khỏi sự khó lường của khí hậu và những biến động của tự nhiên.
Charlick nói: “Khoản hỗ trợ trả trước không chỉ giúp chúng tôi về tài chính để bắt đầu trồng trọt từ hai năm rưỡi trước, mà còn tạo cho chúng tôi môi trường an toàn để canh tác”.
Ngay khi mô hình CSA bắt đầu được nhen nhóm, nó đề cao việc chia sẻ rủi ro trong cộng đồng, cũng như nhấn mạnh vào đóng góp của khách hàng khi họ đồng hành cùng nông dân. Đó là lý do bạn có thể nhận được một hộp chứa nhiều hàng hóa tươi ngon hơn những gì đã trả, nếu so sánh với thị giá lúc vào mùa thu hoạch. Tại Nhật Bản, CSA được cho là cung cấp “thực phẩm có hình người nông dân”.
Những ưu điểm của CSA đặc biệt đúng trong gia đình của Sally Ruljancich ở Nam Gippsland, tiểu bang Victoria.
Cô nói: “Các con tôi biết tên của tất cả những nông dân làm ra sản phẩm trong bữa ăn hàng ngày của chúng”. Ruljancich điều hành CSA cho một doanh nghiệp thịt cừu và thịt bò hữu cơ, đồng thời đồng sáng lập ra mạng lưới CSA tại Úc và New Zealand từ năm 2018.
Việc xác định những điểm cung cấp CSA gần nhất có thể gây khó khăn cho khách hàng. Bởi vậy, Ruljancich đã thiết lập và chia sẻ một danh sách các trang trại khác nhau bán đủ các loại như rau, thịt và các chế phẩm từ sữa.
"Tôi từng tham khảo mô hình CSA ở một số nước, và thấy họ sẽ tìm hiểu các sản phẩm theo nhóm, thay vì đơn lẻ. Những người tiêu dùng có chung nhu cầu về một mặt hàng sẽ cùng tìm hiểu và chốt một hoặc vài hộ nông dân cung cấp sản phẩm đó.
Bước đầu tiên là nói chuyện với người bán hoặc liên hệ với nhà sản xuất qua Internet. Bước tiếp theo là đọc thông tin liên quan hoặc phản hồi từ những người dùng trước. Chúng tôi cũng cung cấp một ứng dụng như vậy, có tên We Eat Local.
Cuối cùng là đặt hàng, và nếu có thể thì nên đến tận nơi dùng thử. Rõ ràng, đơn hàng của bạn sẽ giá trị gấp nhiều lần khi mua với số lượng lớn", Ruljancich chia sẻ về cách thức mua hàng đang phát triển mạnh tại Perth.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, một người có thể mua thực phẩm từ cách chỗ ở hàng nghìn kilomet, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn đặt mua buổi sáng và buổi chiều đã có trong tay nguyên liệu để làm bữa tối.
Ý tưởng ấy được Ruljancich gọi là CSA kiểu địa phương. Cô lập ra một chuỗi cung ứng, có tên Prom Coast Food Collective, chuyên cung cấp đầu mối nông sản cho các khu vực ở Melbourne, bán đảo Mornington và vùng Gippsland.
Tương tự vậy, tại Sydney, Lauren Branson làm đầu mối cho khách trên địa bàn và tới tận những nông dân ở New South Wales.
"Tôi muốn người mua có thể vừa nằm dài trên ghế sofa vừa đi chợ”, cô nói. Trong chuỗi cung ứng của Branson, nổi bật có một người trồng nho ở thung lũng Hunter Valley và Goldenfield, trang trại chuyên về cà chua và ớt gia truyền, vốn được gây dựng bởi những người tị nạn Campuchia cách đây 25 năm.
Leakkhena Ma, một thành viên của Goldenfield cho biết: "Hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương sẽ giúp ích nhiều cho môi trường. Đơn giản như các sản phẩm sẽ được đóng gói ít lớp hơn, do di chuyển gần. Bạn có thể chở táo theo từng sọt lớn, và có thể bỏ qua một loạt những chiếc túi lưới ngu ngốc. Đây là một lý do nữa khiến tôi rất thích mô hình CSA".
Một góc chợ nông sản Carriageworks tại Sydney. Ảnh: Guardian.
Brisbane’s Food Connect, một trong những hệ thống kết nối người mua nông sản với trang trại địa phương, đã huy động thành công 2 triệu USD vào năm 2018 để tạo ra Food Connect.
Công ty này là trung tâm thực phẩm địa phương đầu tiên do cộng đồng sở hữu tại Australia. Nó cho phép nông dân tương tác theo thời gian thực với khách hàng, và có thêm tùy chọn đặt hàng từ thứ Năm đến Chủ nhật. Nhà bếp của bạn có thể có dâu tây, rau xanh và bắp cải từ sáng sớm những ngày cuối tuần.
“Chất lượng sản phẩm của CSA miễn chê. Tôi có thể dễ dàng ngửi thấy mùi húng quế chuẩn CSA từ trước khi nhìn thấy”, Ruljancich bày tỏ, khi thấy ngày càng có nhiều người lựa chọn CSA làm phương thức chuẩn bị những bữa ăn gia đình.
Tammi Jonas, chủ tịch Hiệp hội An ninh lương thực Australia vừa đào tạo 150 nông dân về cách bắt đầu một CSA.
Bà cho biết “Dù bạn ở đâu, mạng lưới thực phẩm tại Úc vẫn luôn mở với tất cả. Bởi vậy, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các nhà sản xuất tại địa phương mình”. Jonas cũng khuyến cáo người dân thay đổi thói quen mua sắm.
Thay vì vào siêu thị và chọn những "thực phẩm dán nhãn", mọi người có thể kết nối trực tiếp với những người trực tiếp trồng trọt tạo ra rau củ quả. Và để bắt đầu, hãy bắt đầu từ những thực phẩm bạn đã quen thuộc như rau, sữa hay thịt.
Trên cơ sở thành công từ hình thức kinh doanh với hộ gia đình, mô hình CAS đang ấp ủ mở rộng sang các nhà hàng, khách sạn. Mike McEnearney, giám đốc sáng tạo của chợ nông sản Sydney’s Carriageworks cho biết, trước đây ông có thói quen mua thực phẩm từ những nhà cung cấp không minh bạch về nguồn gốc.
Ông nói "Bằng cách mua trực tiếp từ nông dân, tôi thậm chí có thể biết đặt lịch vận hành trước cả tháng cho kho đông lạnh, để đảm bảo thực phẩm lúc nào cũng tươi nhất".
Một số chủ bán hàng tại chợ, như Kurrawong Organics và Block 11Organics, cũng tự tham gia vào chuỗi cung ứng của CAS. Các hộp thực phẩm từ Carriageworks sẽ được chuyển tận nhà khách hàng theo lịch, hoặc bày bán tại chợ nông sản như một cách tiếp thị sản phẩm.