Thủ tướng Scott Morrison phát biểu trong một buổi họp báo ở thành phố Sydney. Nguồn: AAP

 

 

 

 

 

 

Những người Úc đang có mặt tại Ấn Độ lúc này sẽ không thể quay về Úc cho tới ít nhất là giữa tháng sau. Chính phủ Úc cũng đang gởi máy trợ thở, khẩu trang và các vật tư y tế khác nhằm hỗ trợ ban đầu cho Ấn Độ và nói các chuyến bay hồi hương cuối cùng cũng sẽ nối lại.

 

 

Chính phủ Úc đã vạch ra biện pháp ứng phó với thảm họa COVID-19 tại Ấn Độ, đó là tạm dừng tất cả các chuyến bay cho đến ít nhất là giữa tháng Năm.

 

 

Trong đó bao gồm cả các chuyến bay hồi hương do chính phủ tổ chức hạ cánh tại khu cách ly Howard Springs ở gần Darwin.

 

 

Chính phủ cũng cho biết sẽ gởi 500 máy trợ thở, khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác trong gói cứu trợ đầu tiên đến Ấn Độ.

 

 

Quyết định này đồng nghĩa với việc 9,000 người Úc tại Ấn Độ vốn đã đăng ký với Bộ Ngoại giao hiện không còn cách nào quay lại Úc nữa, vì các địa điểm có chuyến bay hồi hương như Doha, Singapore và Kuala Lumpur đã tạm ngừng những chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ.

 

 

Sau khi tuyên bố tạm dừng các chuyến bay với Ấn Độ, Thủ tướng Scott Morrison đã bác bỏ những đề nghị cho rằng chính phủ của ông đang bỏ mặc những người Úc bị mắc kẹt lại tại đất nước gặp đại họa này.

 

‘Đây là thử thách thật khó khăn trong đại dịch. Không có tình huống nào hoàn hảo. Và điều bạn phải làm là bảo đảm giữ nguyên vẹn các thỏa thuận về kiểm dịch, nhằm chống lại bất kỳ nguy cơ nào, chúng tôi cần bảo đảm các cơ sở cách ly ở trong tình huống có thể quản lý được, để có thể tiếp tục đón thêm nhiều người hơn, đó là điều chắc chắn phải làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục nối lại các chuyến bay hồi hương từ Ấn Độ, và nay chúng tôi đang hợp tác với các văn phòng lãnh sự tại Ấn Độ, tập trung cho các chuyến bay hồi hương này, nhận chở những người dễ bị tổn thương nhất và cần chúng tôi giúp đỡ nhất’.

 

 

 

Hội đồng hương Ấn Độ tại Tây Úc nói việc tạm dừng các chuyến bay không giải quyết được điều mà họ cho là một vấn đề lớn – đó là Úc thiếu các trung tâm cách ly hoàn chỉnh tại những vùng xa xôi ngoài thành phố.

 

Chủ tịch Hội ông Supriya Guha nói Úc đã mất thời gian tranh cãi về hệ thống cách ly tại khách sạn và ông ủng hộ lời kêu gọi xây dựng những trung tâm cách ly hoàn chỉnh tại các khu vực biệt lập hơn ngoài thành phố.

 

‘Vẫn chưa quá muộn. Chúng ta cần làm điều này và chuẩn bị một hệ thống cách ly tốt hơn, một sự chăm sóc y tế tốt hơn, tôi nghĩ đây có lẽ là lời kêu gọi cần kíp nhất lúc này.’

 

 

 

Một vài nhà lãnh đạo tiểu bang và vùng lãnh thổ, phe đối lập liên bang, các nhóm vận động y tế và các chuyên gia kiểm soát dịch tễ đã kêu gọi xây dựng những cơ sở cách ly chuyên dụng từ nhiều tháng qua.

 

Một phúc trình điều tra quốc gia về các khách sạn cách ly tung ra hồi tháng 10 năm ngoái cho biết Úc sẽ nhận được lợi ích lớn lao nếu xây dựng một trung tâm quốc gia chuyên dùng khi có tình huống khẩn cấp hoặc bất ngờ xảy ra.

 

Chính phủ liên bang đã thương lượng với chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc nhằm tăng thêm công suất của trung tâm cách ly Howard Springs gần Darwin, chứ kiên quyết cho rằng hệ thống cách ly tại khách sạn nay vẫn đạt hiệu quả cao.

 

Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Lao động, Anthony Albanese, nói quyết định tạm dừng các chuyến bay là một lời nhắc nhở chính phủ Morrison đang làm chưa tốt về cách vấn đề kiểm dịch và cách ly.

 

‘Thực tế là chính phủ liên bang chịu trách nhiệm về lĩnh vực di trú, phụ trách về biên giới và cách ly. Ông Scott Morrison đã cam kết rõ ràng và dứt khoát rằng ông ta sẽ đưa mọi người Úc về nhà vào Giáng Sinh. Bây giờ đã là tháng Tư và chúng ta vẫn còn hơn 30.000 người Úc bị mắc kẹt ở nước ngoài. Thực tế là chính phủ cần phải hành động cùng một lúc khi giải quyết về việc triển khai vắc-xin và kiểm dịch. Cũng như cần phải xây dựng các phương án cách ly thích hợp.’

 

 

 

Tây Úc ghi nhận 4 trường hợp nhiễm COVID-19 đang cách ly tại khách sạn và đều là những du khách quay về từ Ấn Độ.

 

 

Thủ hiến Mark McGowan mô tả Ấn Độ là tâm chấn của chết chóc và hủy diệt.

‘Tất nhiên chúng tôi đồng cảm sâu sắc với Ấn Độ vào lúc này. Rõ ràng đây là một tình huống tồi tệ đang diễn ra nhưng nó đã gây áp lực rất lớn đến hệ thống của chúng tôi ở đây, tại Tây Úc, cũng như ở các tiểu bang khác.’

 

 

 

Còn ông Supriya Guha thuộc Hội đồng hương Ấn Độ Tây Úc nói một vài thông điệp từ các nhà lãnh đạo đã quá tiêu cực và thiếu lòng nhân ái.

‘Thông điệp phát đi từ giới lãnh đạo là rất tiêu cực và bạn biết đấy, điều này đang tạo ra rất nhiều phát biểu và bình luận liên quan đến sắc tộc và tôi nghĩ rằng nó có thể còn tồi tệ hơn thế nếu chúng ta thực sự không thực hiện một số bước mạnh mẽ tại chính quyền liên bang. Vì vậy, chúng ta cần phải thông cảm. Chúng tôi bị tổn thương, bởi vì chúng tôi thấy sự thiếu cảm thông trong cách xử lý mọi việc.’

 

 

Trong khi đó chính phủ Victoria muốn chào đón sinh viên quốc tế và người lao động nước ngoài trở lại vào tháng tới theo một đề nghị riêng không đi chung với chương trình hồi hương.

 

 

Một hệ thống do người dùng trả tiền chứ không được tài trợ sẽ giúp cho 120 người quay lại Victoria hằng tuần nhằm học tập hoặc làm việc, kể từ ngày 24 tháng 5.

 

 

Quyền Thủ hiến James Merlino nói họ sẽ hoàn thành việc cách ly trong một cơ sở chuyên dụng.

‘Trung tâm này khác với việc cách ly tại khách sạn thông thường. Đây sẽ là một khách sạn riêng biệt, có 1000 chỗ chứa và yêu cầu chính các lĩnh vực kỹ nghệ phải trả tiền. vì vậy đây là hệ thống do người dung trả tiền, và các lĩnh vực kỹ nghệ muốn có nhân viên làm việc thì phải tham gia trong chương trình này.’

 

 

 

Trong khi đó Thanh tra chính phủ Victoria phát hiện 12,000 doanh nghiệp có thể đã bị loại một cách bất công khỏi sự tài trợ của chính phủ tiểu bang, vốn được thành lập để giúp các doanh nghiệp nhỏ đối phó với tác động của việc phong tỏa.

 

 

Bà Deborah Glass bắt đầu điều tra sau khi nhận được hơn 1,100 đơn khiếu nại.

 

 

Bà nhận thấy chỉ có năm nhân viên đang trả lời thắc mắc của các hồ sơ xin tài trợ tại trung tâm tư vấn, khi chương trình tài trợ được công bố lần đầu tiên.

 

 

Thanh tra Glass nói rằng kế hoạch đã được quản lý một cách tồi tệ.

 

‘Họ cần dựa vào trợ cấp để trả lương cho công nhân, trả tiền thuê mặt bằng và các hóa đơn để có thể sống sót qua dịch bệnh. Nhưng một ý tưởng tốt ngay từ đầu đã bị mất hiệu quả vì biểu hiện tồi tệ. Những người thực sự đủ điều kiện nhận trợ cấp đã bị từ chối chỉ vì họ mắc một sai lầm vô cùng đơn giản, hoặc vì họ nhầm lẫn trong một quá trình có thể nói là thật sự khó hiểu.’

 

 

 

 

Trong khi đó chính phủ liên bang tuyên bố hơn 2,000 vận động viên và nhân viên hỗ trợ tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo sẽ được tiêm vắc-xin COVID-19, và thuộc nhóm ưu tiên 1b.