JP – Justice of the Peace - là Công chứng Viên, người được ủy quyền làm nhân chứng khi bạn ký các tài liệu pháp lý. Ảnh: Getty / ilkercelik
Sẽ có lúc bạn cần đến sự giúp đỡ của một Công chứng viên (Justice of the Peace – JP). Có thể đó là khi bạn cần xác minh danh tính, làm đơn bảo hiểm, hoặc chứng thực bản sao các giấy tờ pháp lý bằng ngôn ngữ của mình. Công chứng viên là những tình nguyện viên đã qua đào tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự minh bạch của hệ thống pháp luật. Vậy chính xác một JP làm gì và bạn có thể tìm thấy họ ở đâu khi cần?
Một Công chứng viên (Justice of the Peace – JP) có thể giúp bạn trong những thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời. Họ được giao phó nhiệm vụ hỗ trợ bạn với các giấy tờ pháp lý.
JP là những công dân gương mẫu được chánh quyền tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ bổ nhiệm thông qua một thủ tục xét duyệt nghiêm ngặt. Họ có quyền thực hiện các công việc như làm chứng khi bạn ký các giấy tờ pháp lý.
JP không được nhận thù lao cho công việc của mình. Họ là những tình nguyện viên với tinh thần đóng góp cho cộng đồng.
Ông Dean Beck là điều phối viên Trung tâm Ký Tài Liệu tại Trung tâm Tự Hào Victoria (Victorian Pride Centre).
Ông nói, “Tôi trở thành JP vì cha tôi là Thẩm phán, và tôi lớn lên trong môi trường pháp luật,”
“Tôi luôn tham gia tình nguyện – đó là một phần trong giá trị gia đình tôi. Vì thế, tôi đã xung phong làm JP.”
“Tôi nghĩ rằng cảm giác công bằng, chánh trực và bình đẳng là những phẩm chất tốt mà tôi có và cũng là phẩm chất phù hợp với một JP.”
JP có thể giúp bạn những gì?
Nói ngắn gọn, JP giúp bạn với các loại giấy tờ pháp lý.
Nhiều tài liệu pháp lý yêu cầu phải có chữ ký của JP để xác nhận chữ ký là thật, thông tin là chính xác và bản sao là đúng với bản gốc.
Ông Beck cho biết JP được đào tạo kỹ lưỡng để chứng thực bản sao các loại giấy tờ định danh như bằng lái xe, hộ chiếu, giấy khai sinh, thẻ Medicare hoặc bảng điểm.
Công chứng viên - Justicc of the Peace - có thể đóng dấu tài liệu của bạn để chứng nhận rằng đó là bản sao đúng và chính xác của tài liệu gốc. Ảnh: Getty / StockPlanets
“Họ cũng có thể làm chứng khi bạn ký vào tờ khai hữu thệ hoặc khi bạn cần làm bản khai trình (affidavit) để nộp ra tòa. Họ cũng có thể chứng kiến các giấy tờ như giấy ủy quyền vĩnh viễn (Enduring Power of Attorney), quyết định y tế cuối đời, và cả di chúc đơn giản. Đó là những giấy tờ quan trọng trong cuộc sống.”
Bà Beverly Alley, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên vùng ACT, cho biết khi bạn mang bản sao giấy tờ đến JP, họ sẽ ký, ghi ngày tháng và số hiệu JP của họ.
“Thông thường họ sẽ đóng dấu xác nhận rằng: ‘Tôi xác nhận đây là bản sao đúng và chính xác của tài liệu gốc mà tôi đã xem qua’.”
Dù là loại tài liệu gì, bạn cũng nên mang theo giấy tờ tùy thân có ảnh như hộ chiếu hoặc bằng lái để JP xác minh danh tính của bạn.
Ông Alan Leung là một kế toán thường xuyên chứng thực tài liệu cho khách hàng. Trở thành JP giúp ông phục vụ rộng rãi hơn trong cộng đồng.
“Làm JP là cơ hội để tôi đền đáp lại cộng đồng – nơi đã đối xử rất tốt với tôi. Đây là công việc mang lại nhiều ý nghĩa.”
Ông Leung thường giúp người dân trong nhiều tình huống khác nhau như vay vốn, lập quỹ tín thác, chuẩn bị di chúc, giấy ủy quyền, đăng ký kết hôn hoặc ly hôn, hoặc xác minh danh tính.
Ông Leung nói “Một số người tìm đến tôi vì họ cần một JP nói cùng ngôn ngữ, như tiếng Quảng Đông trong trường hợp của tôi, hoặc đơn giản vì họ ở gần khu vực tôi làm việc.”
Tờ khai hữu thệ là gì?
JP thường được yêu cầu làm chứng khi có người ký vào một bản tuyên thệ pháp lý – ví dụ như để làm đơn bảo hiểm hoặc xin nghỉ bệnh.
Đây là một văn bản viết tay trong đó bạn tuyên bố rằng thông tin mình cung cấp là đúng sự thật. Bạn phải ký trước sự chứng kiến của người có thẩm quyền – như một JP.
Bạn phải ký vào tờ khai hữu thệ theo quy định khi có sự chứng kiến của người có thẩm quyền như thẩm phán tòa án. Ảnh: MTStock Studio/Getty Images
Những gì JP không thể làm
JP không được chứng thực các tài liệu mà họ không quen thuộc.
Họ cũng không thể làm chứng cho tài liệu bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu. Trong trường hợp đó, họ sẽ yêu cầu bạn tìm một JP nói được ngôn ngữ phù hợp.
Một số giấy tờ pháp lý phức tạp có thể vượt quá phạm vi công việc của JP, và cần đến một Công chứng viên có chuyên môn pháp lý (Notary Public).
Bạn có thể tìm JP ở đâu?
Không giống JP, Notary Public sẽ thu phí.
Mỗi tiểu bang và vùng lãnh thổ đều có danh sách công khai trực tuyến. Bạn chỉ cần tìm cụm từ “find a JP” hoặc truy cập trang web của Sở Tư pháp nơi bạn sinh sống.
Ông Leung giải thích rằng bạn có thể tìm kiếm theo khu vực, thời gian rảnh, ngôn ngữ, thậm chí theo tên.
“Ví dụ nếu bạn cần một JP nói tiếng Quảng Đông ở khu trung tâm Melbourne vào cuối tuần, trang web sẽ cung cấp danh sách tên và số điện thoại để bạn đặt lịch hẹn. Rất tiện lợi.”
Bạn có thể tìm kiếm JP theo vị trí, tình trạng sẵn có, ngôn ngữ và thậm chí cả tên. Ảnh: Getty / SrdjanPav
Trung tâm Ký Tài Liệu (Document Signing Centres)
Tại hầu hết các khu vực pháp lý, bạn có thể tìm thấy các công chứng viên (JP) đang làm việc tại các Trung tâm Ký Tài Liệu (DSC) hoặc bàn ký của JP.
Những trung tâm này được thiết lập trong các thư viện, trung tâm cộng đồng, đồn cảnh sát và tòa án Không cần đặt hẹn trước.
Tuy nhiên, ông Dean Beck cho biết không phải ai cũng thấy thoải mái khi đến đồn cảnh sát hoặc tòa án. Ông điều phối một trung tâm ký tài liệu tại Trung tâm Tự Hào Victoria ở St Kilda – là nơi duy nhất trong phạm vi 10km tính từ trung tâm Melbourne không nằm trong đồn cảnh sát hoặc tòa án.
Ông Beck nói, “Chúng tôi cung cấp một không gian an toàn cho mọi người, bất kể sắc tộc, xu hướng tính dục hay hoàn cảnh cá nhân.”
Bạn có thể tìm trung tâm gần nhất và giờ hoạt động bằng cách tìm cụm từ “find a JP”.
(Theo SBS)