Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Đại Lợi, Reynolds. Nguồn: AAP
Bộ trưởng Quốc phòng Úc cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong khi chính phủ liên bang công bố chiến lược quốc phòng trị giá hàng tỷ đô-la.
Chiến lược và khả năng phòng thủ của Úc đang mở rộng đáng kể, với trọng tâm là Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này.
-Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói rằng hành vi của Trung Quốc đã làm thay đổi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
-Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông
-Úc công bố chiến lược quốc phòng trị giá 270 tỷ đô-la.
Phát biểu tại Viện Chính sách chiến lược Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds cho biết vị thế của Úc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương đã bị đe doạ “theo cách mà chúng ta đã không thể dự đoán vào bốn năm trước”.
Bà nói “Môi trường chiến lược của Úc rất phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Sự cạnh tranh quyền lực, quân sự hóa, phát triển công nghệ và các mối đe dọa mới khác đang làm cho khu vực của chúng ta kém an toàn hơn,”
“Chúng ta cần phải thích nghi với hoàn cảnh chiến lược thay đổi nhanh chóng của tương lai, và tương lai đó là ngay bây giờ. Chính phủ và Bộ Quốc phòng phải phản ứng.”
Căng thẳng gia tăng
Bà Reynolds xác định Trung Quốc là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến cách tiếp cận mới của chính phủ Úc đối với định vị chiến lược trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Bà nói “Chúng tôi hoan nghênh họ như một đối tác có trách nhiệm trong khu vực, nhưng khi các hành vi không phù hợp với các tiêu chuẩn mà chúng tôi trông đợi ở bản thân và kỳ vọng ở các quốc gia khác, về mặt tôn trọng chủ quyền và tuân thủ trật tự dựa trên luật pháp, thì chúng tôi sẽ lên án hành vi đó”.
Theo Bộ Quốc phòng Úc, rất khó có khả năng xảy ra xung đột. Thế nhưng bà Reynolds nói rằng hành vi của Trung Quốc đã làm thay đổi khu vực.
“Ảnh hưởng trở thành sự can thiệp. Hợp tác kinh tế trở thành sự ép buộc. Đầu tư trở thành bẫy nợ. Tất cả những áp lực này đang góp phần vào sự không chắc chắn và căng thẳng, làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự và làm tổn hại thương mại tự do và cởi mở. Úc phải chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả những thách thức chiến lược này.”
Bình luận này được đưa ra sau khi chính phủ Úc tuyên bố đầu tư 270 tỷ đô la cho chiến lược quốc phòng trong 10 năm tới.
Bà Reynold cho biết trên khắp Ấn Độ-Thái Bình Dương, các quốc gia đang hiện đại hóa quân đội và tăng cường chuẩn bị cho xung đột.
“Họ đang thay đổi các đặc điểm của chiến tranh. Các quốc gia đang ngày càng sử dụng các chiến thuật chế ngự nằm dưới ngưỡng xung đột vũ trang. Các cuộc tấn công mạng, can thiệp của nước ngoài và áp lực kinh tế tìm cách khai thác vùng xám giữa hòa bình và chiến tranh.”
Lợi ích của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương
Trung Quốc ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm các cuộc tập trận, tuyên bố chủ quyền và triển khai hoả tiễn tầm xa.
Tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ trên núi Himalaya đã sôi sục trong nhiều thập niên, không có biên giới chính thức nào được đàm phán. Nhưng căng thẳng đã leo thang trong những tháng gần đây, với cả hai nước nâng cấp các cơ sở quân sự trong khu vực.
Cùng lúc đó, Trung Quốc đã mở rộng các khoản vay cho một số nước nhỏ ở Thái Bình Dương, mà các nhà phê bình mô tả là bẫy nợ không bền vững có thể khiến các quốc gia này phải chấp thuận các yêu cầu từ Bắc Kinh.
Tại Úc, tiểu bang Victoria đã thu hút sự chỉ trích từ các dân biểu liên bang về thoả thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc.
Tác động của quan hệ Mỹ-Trung đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương
Bà Reynold đã mô tả mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong khu vực của chúng ta và trên thế giới” và một mối quan hệ "ngày càng có tính cạnh tranh”.
Giám đốc điều hành quốc gia của The Australian Institute for International Affairs, tiến sĩ Bryce Wakefield nói rằng căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ-Thái Bình Dương đến bờ vực.
“Nhiều người lo ngại rằng Hoa Kỳ đã trở nên hướng nội hơn, rằng cách tiếp cận của họ đối với Á Châu và đặc biệt là Trung Quốc là thẳng thừng và không tinh tế,” ông nói với SBS.
“Sự tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương, theo một số người, là một cách để đưa Mỹ trở lại bàn đàm phán, bảo đảm sự quan tâm của Mỹ trong khu vực.”
Chỉ quân sự hoá thôi thì chưa đủ?
Tiến sĩ Wakefield đứng đầu Diễn đàn nghiên cứu Ấn Độ-Thái Bình Dương nói rằng chiến lược quân sự của Úc không nên là trọng tâm duy nhất trong khu vực.
Ông nói “Có một mối nguy hiểm là nếu chúng ta tập trung quá nhiều vào chiến lược và quân đội như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích của chúng ta ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, thì chúng ta sẽ mất đi sự đa dạng trong cách tiếp cận đến các vần đề quan trọng, có lợi cho nước Úc”.
Phe đối lập nói rằng chính phủ đã bỏ mặc khu vực và các nước láng giềng Thái Bình Dương cần nhiều hơn để có được lòng tin của Úc.
Phát ngôn nhân đối lập đặc trách về Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Pat Conroy nói rằng mối quan hệ giữa Úc với các đảo quốc Thái Bình Dương nên bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ tập trung vào quốc phòng và an ninh.