Một loạt thay đổi về thị thực dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2024 sau khi chiến lược di cư được công bố. Nguồn: SBS

 

 

AUSTRALIA - Vào cuối năm 2023, chính phủ công bố chiến lược cải tổ hệ thống di trú, với một số thay đổi dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay. Sau đây là những gì bạn cần biết.

 

Được Tổng trưởng Nội vụ Clare O'Neil công bố vào vào đầu tháng 12/2023, chiến lược cải tổ hệ thống di trúbao gồm một loạt các cam kết mới, tập trung chủ yếu vào di dân tạm trú có tay nghề và giáo dục quốc tế.

 

Chính phủ có kế hoạch thực hiện một số biện pháp trong năm 2024 – bao gồm các yêu cầu cao hơn về tiếng Anh đối với visa sinh viên và visa tạm trú sau tốt nghiệp, cũng như một loại visa mới cho những người có kỹ năng mà nước Úc đang cần.

 

Một loạt thông báo trước đó cũng sẽ có hiệu lực trong năm nay – ví dụ như loại visa mới cho người nhập cư đến từ khu vực Thái Bình Dương.

 

Chính phủ đã vạch ra các lĩnh vực cần cải cách trong tương lai, bao gồm thường trú nhân có tay nghề, di dân đến vùng nông thôn, và chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ, và sẽ tham vấn với các bên liên quan trong năm 2024.

 

 

Chính phủ đã đưa ra chiến lược cải cách hệ thống di cư của Úc, vốn được coi là "không phù hợp với mục đích" theo một đánh giá lớn. Nguồn: Getty / Mark Evans

 

 

 

Mục tiêu của chính phủ trong chiến lược di trú mới là gì?

Chỉ số nhập cư ròng (net overseas migration – NOM) là tổng số người đến và ở lại một quốc gia trong ít nhất một năm, trừ những người rời đi. NOM bao gồm cả số công dân Úc rời đi và quay trở lại Úc.

 

Chỉ số NOM của Úc đạt đỉnh điểm vào năm 2022-2023 ở mức 510.000, chủ yếu do sự trở lại của sinh viên quốc tế và khách du lịch sau khi các hạn chế trong đại dịch COVID-19 được nới lỏng.

 

Chính phủ nhấn mạnh rằng NOM không phải là mục tiêu của chính sách di trú, nhưng chiến lược mới nhắm đến việc giảm con số từ 510.000 xuống mức gần như trước đại dịch là 375.000 trong năm tài chính 2023-24 và sau đó xuống còn 250.000 vào năm 2024- 25.

 

“Mục tiêu của chúng tôi là đưa số lượng người nhập cư trở lại mức bền vững,” bà O'Neil nói với các phóng viên vào đầu tháng 12.

 

 

Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil nói rằng chiến lược di cư của chính phủ là “một kế hoạch táo bạo nhằm đưa hoạt động di cư trở lại bình thường đối với tất cả người dân Úc”. Nguồn: AAP / Lukas Coch

 

 

Bà Leah Perkins, một chuyên gia luật di trú thuộc hãng luật Carina Ford Lawyers, cho biết chiến lược này cố gắng giải quyết các vấn đề của hệ thống di trú “một cách lâu dài và có ý nghĩa”.

 

Bà cho biết một trong những mục tiêu chủ đạo là giảm bớt sự “tạm trú vĩnh viễn”, khi một số người chuyển từ visa tạm trú này sang visa tạm trú khác để kéo dài thời gian ở lại Úc.

Bà nói “Nhìn chung, chiến lược này đang cố gắng giảm số lượng người giữ visa tạm trú dài hạn và thêm một số con đường trở thành thường trú nhân, điều mà tôi nghĩ sẽ có tác động tích cực đến sự gắn kết xã hội,”

“Tôi hy vọng chiến lược này cuối cùng sẽ mang lại nguồn di dân có tay nghề tốt hơn, sự gia tăng lượng người nhập cư lâu dài so với nhập cư tạm thời, cũng như ngăn chặn việc bóc lột người nhập cư, vốn ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt là sau đại dịch COVID.”

 

Những thay đổi này được các nghiệp đoàn đoàn và nhóm doanh nghiệp ủng hộ rộng rãi, và được cho yếu tố quan trọng để cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy nền kinh tế.

 

 

Visa mới dành cho người lao động có kỹ năng theo yêu cầu

Bà Perkins cho biết thay đổi lớn nhất sắp tới là visa do nhà tuyển dụng bảo lãnh.

 

Chính phủ đang giới thiệu một loại visa lao động có tay nghề tạm thời bốn năm mới mà họ cho rằng sẽ mang lại cho người lao động nhiều cơ hội hơn để đổi chỗ làm và cung cấp các con đường để trở thành thường trú nhân.

 

Sau khi được triển khai – dự kiến là vào cuối năm 2024, visa “Kỹ năng theo yêu cầu” (Skills in Demand) sẽ thay thế visa 482 (Temporary Skill Shortage), cho phép người giữ visa sống ở Úc trong khi làm việc toàn thời gian cho chủ bảo lãnh.

 

Visa sẽ được chia thành ba dòng (pathway), dòng đầu tiên là dòng kỹ năng chuyên môn nhằm đẩy nhanh quá trình nộp đơn của những di dân có tay nghề cao.

 

Dòng này dành cho những người có thu nhập ít nhất $135.000 trong bất kỳ nghề nghiệp nào, ngoại trừ công nhân, người vận hành máy móc, tài xế và người lao động chân tay.

 

Chính phủ cam kết thời gian xử lý visa trung bình là 7 ngày.

 

Bà Perkins đã khen ngợi những nỗ lực nhằm khiến cho việc bảo lãnh người lao động trở nên dễ dàng hơn và cung cấp nhiều lựa chọn hơn để trở thành thường trú nhân.

 

Bà cho biết thời gian xử lý visa nhanh hơn “sẽ thu hút những người lao động có tay nghề cao”.

“So với phần còn lại của thế giới, chúng ta có thể mất đi những công nhân lành nghề chỉ vì chương trình do nhà tuyển dụng bảo lãnh phức tạp và kéo dài như thế nào.”

 

 

Dòng thứ hai dành cho hầu hết những di dân tạm trú có tay nghề được liệt kê trong danh sách Core Skills Occupation List mới, dựa trên những ngành nghề được Jobs and Skills Australia xác định là đang thiếu hụt.

 

Thu nhập của họ ít nhất phải bằng ngưỡng thu nhập dành cho di dân có tay nghề tạm trú (TSMIT).

 

Trước đó, chính phủ đã tăng TSMIT từ $53.900 lên $70.000, và ngưỡng thu nhập này sẽ tự động thay đổi hàng năm theo chỉ số giá tiền lương (wage price index).

 

Việc tham vấn về dòng thứ ba – dành cho những người lao động có kỹ năng thiết yếu nhưng có thu nhập thấp hơn – dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2024.

 

 

Yêu cầu tiếng Anh cao hơn và những thay đổi khác đối với visa du học

Sinh viên quốc tế và các sinh viên mới tốt nghiệp là trọng tâm trong các cải cách của chính phủ.

 

Theo bà Perkins, chính phủ đang cố gắng nâng cao trình độ kỹ năng của những sinh viên đến Úc.

Bà nói “Nếu ai đó có vẻ như sẽ không có cơ hội định cư, chính phủ gần như đang cố gắng ngăn cản họ đến Úc học tập.”

 

Trong số những thay đổi có yêu cầu về tiếng Anh được nâng cao.

 

Từ đầu năm 2024, những người nộp đơn xin visa du học sẽ cần có điểm IELTS 6.0 (tăng từ 5.5) hoặc tương đương.

 

Yêu cầu tiếng Anh đối với visa tạm trú sau tốt nghiệp sẽ tăng từ 6.0 lên 6.5.

 

Chính phủ cho biết điều này sẽ cải thiện trải nghiệm giáo dục của sinh viên và giảm nguy cơ bị bóc lột tại nơi làm việc.

 

  • Bài kiểm tra mới về độ trung thực của hồ sơ visa du học

Chiến lược di trú mới của Úc cũng sẽ giới thiệu một bài kiểm tra mới về độ trung thực của hồ sơ xin visa du học (Genuine Student Test) dành cho tất cả sinh viên quốc tế, thay thế yêu cầu Genuine Temporary Entranthiện có.
 

Chính phủ cho biết điều này sẽ “khuyến khích việc nộp đơn từ những sinh viên chân chính và không khuyến khích những sinh viên không chân chính có mục đích chính là làm việc hơn là học tập”.
 

Bài kiểm tra này dự kiến sẽ được triển khai vào đầu năm 2024.
 

Chính phủ cũng sẽ áp dụng các biện pháp nhằm “loại bỏ các trường học vô đạo đức” khỏi hệ thống giáo dục trong năm 2024.

 

  • Ưu tiên xử lý visa du học

Chính phủ đã đưa ra các ưu tiên xử lý mới đối với đơn xin visa của sinh viên và người giám hộ sinh viên, dựa trên cam kết xem xét kỹ lưỡng hồ sơ từ “các trường học có rủi ro cao”.

 

Những điều này được nêu theo chỉ thị của Bộ, dựa trên hệ thống xếp hạng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục và áp dụng cho tất cả các đơn đăng ký nộp từ ngày 15/12.

 

 

Nhiều thay đổi hơn đối với visa tạm trú sau tốt nghiệp

Từ giữa năm 2024, chính phủ sẽ “cải thiện và đơn giản hóa” visa tạm trú sau tốt nghiệp. Những thay đổi sẽ bao gồm:

 

  • Giới hạn độ tuổi của người xin visa

Theo quy định mới, người nộp đơn phải dưới 35 tuổi (giảm so với độ tuổi hiện tại là 50).

 

  • Thời hạn visa giảm

Thời hạn của visa tạm trú sau tốt nghiệp đầu tiên sẽ giảm xuống còn 2 năm đối với bằng cử nhân hoặc thạc sĩ tín chỉ (masters by coursework) và 3 năm đối với bằng thạc sĩ nghiên cứu (masters by research).
 

Sinh viên quốc tế ở vùng nông thôn có thể xin visa tạm trú sau tốt nghiệp thứ hai, có thời hạn từ 1 đến 2 năm tùy thuộc vào địa điểm của họ.
 

Bà Perkins giải thích “Đây là một phần của việc giảm số lượng người giữ visa tạm trú dài hạn.”

 

 

Chính phủ đã công bố những gì?

 

  • Loại bỏ dần các ưu đãi liên quan đến COVID

Hồi tháng 9/2023, chính phủ tuyên bố sẽ loại bỏ dần Pandemic Event Visa, vốn được giới thiệu vào năm 2020 để cho phép những người có visa tạm trú ở lại Úc trong đại dịch COVID-19 khi biên giới quốc tế đóng cửa.
 

 

Chính phủ sẽ ngừng hoàn toàn việc nhận hồ sơ visa này từ tháng 2/2024.
 

 

Chiến lược nêu rõ việc loại bỏ dần các ưu đãi liên quan đến COVID, bao gồm việc ngừng cấp Pandemic Event Visa và loại bỏ số giờ làm việc không giới hạn đối với sinh viên quốc tế, sẽ giúp đưa số lượng người nhập cư trở về mức gần như trước đại dịch.

 

  • Visa mới dành cho người nhập cư Thái Bình Dương

Một loại visa mới dành cho những người nhập cư đủ điều kiện từ các quốc gia Thái Bình Dương và ĐôngTimor cũng sẽ được áp dụng trong năm nay.
 

Visa Gắn kết Thái Bình Dương (PEV) sẽ cho phép tối đa 3.000 công dân từ các quốc gia liên quan di cư đến Úc mỗi năm với tư cách là thường trú nhân.
 

Những người nộp đơn sẽ được chọn ngẫu nhiên qua quy trình “bốc thăm”, theo đạo luật được Thượng viện thông qua vào tháng 10.
 

Nếu thành công, họ sẽ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, bao gồm có việc làm ở Úc.
 

Trong một thông cáo hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng trưởng Di trú Andrew Giles và Tổng trưởng Phát triển Quốc tế và Thái Bình Dương Pat Conroy cho biết chương trình sẽ bắt đầu vào năm 2024 sau khi tất cả các thỏa thuận hành chính và lập pháp còn lại được phê duyệt.

 

  • Ưu tiên xử lý hồ sơ Visa Bảo vệ

Vào tháng 10, chính phủ cũng đã công bố gói tài trợ trị giá 160 triệu đô la để giúp củng cố hệ thống visa tị nạn, sau khi một cuộc đánh giá cho thấy loại visa này đang bị lợi dụng để kéo dài thời gian lưu trú ở Úc.

 

Khoản tiền đó bao gồm 54 triệu đô la để tạo ra quy trình xử lý ưu tiên theo thời gian thực đối với các đơn xin Visa Bảo vệ “nhằm giúp phá vỡ mô hình kinh doanh của những kẻ lạm dụng hệ thống”.

 

Bà Perkins cho biết chúng ta sẽ thấy điều này rõ ràng hơn trong năm 2024.

Bà nói “Điều này sẽ trở nên quan trọng hơn khi chúng ta thấy ngày càng có nhiều người được xét duyệt nhanh hơn, và bị từ chối nhanh hơn.”