Những người biểu tình lên tiếng phản đối một cơ sở hạt nhân được lên kế hoạch xây dựng ở thị trấn Kimba. (ABC News: Patrick Martin)
NAM ÚC – Cuộc chiến pháp lý giữa chính phủ liên bang và các chủ sở hữu truyền thống về việc xây dựng một cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân ở Nam Úc có vẻ sẽ tiếp tục sau khi bộ trưởng tài nguyên mới được yêu cầu phải dời dự án này lại.
Chính phủ liên bang trước đây đã chọn một địa điểm gần thị trấn Kimba, nằm trên bán đảo Eyre Peninsula, để lưu trữ chất thải hạt nhân mức độ thấp và trung bình.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người Thổ dân, Barngarla Determination Aboriginal Corporation, phản đối cơ sở lưu trữ này, nói rằng các chủ sở hữu đất truyền thống đã không được tham vấn đầy đủ.
Tổ chức này đã bắt đầu hành động pháp lý vào năm ngoái để ngăn chặn việc xây dựng cơ sở này.
Tổ chức này kêu gọi chính quyền mới thuộc đảng Lao động hủy bỏ quyết định của chính quyền trước khi tuyên bố khu vực Napandee, nằm gần Kimba, là địa điểm của cơ sở này.
Thiết kế đồ họa của cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân được đề xuất gần thị trấn Kimba. (Đã cung cấp)
Nhưng Bộ trưởng Tài nguyên, Madeline King, từ chối nói về việc liệu bà có hủy bỏ quyết định trên hay không.
Bà nói: “Quản lý chất thải phóng xạ là một vấn đề phức tạp, dài hạn mà các chính phủ nối tiếp nhau đã làm trong nhiều thập kỷ.”
"Việc tuyên bố địa điểm tại Napandee là một bước tiến trong việc bảo đảm nước Úc có thể quản lý chất thải phóng xạ của mình một cách an toàn và chắc chắn.”
Bà nói rằng bà sẽ không can thiệp vào kết quả của quá trình kiện tụng bằng cách thực hiện các thay đổi đối với dự án.
Tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người Thổ dân Barngrala Determination Aboriginal Corporation đã viết thư cho bà King và Thủ tướng Anthony Albanese yêu cầu họ tìm một địa điểm khác cho cơ sở lưu trữ chất thải hạt nhân.
Những người biểu tình ủng hộ một vụ thách thức pháp lý liên bang đối với địa điểm Kimba. (ABC News: Patrick Martin)
Cựu bộ trưởng tài nguyên, Keith Pitt, trước đây cho biết chính phủ đã tham khảo ý kiến cộng đồng về cơ sở xử lý chất thải trong sáu năm, mà đỉnh điểm là một cuộc bỏ phiếu cho thấy hơn 60% cư dân Kimba ủng hộ dự án.