Tập Cận Bình, khi ấy là Phó Chủ tịch Trung Quốc, làm lễ khai trương Viện Khổng Tử Y học Trung Quốc (Chinese Medicine Confucius Institute) đầu tiên ở Australia tại Đại học RMIT. Nguồn: WILLIAM WEST / AFP qua Getty Images.

 

 

 

 

 

Các Học viện Khổng Tử do 13 trường đại học Úc hợp tác với các trường đại học Trung Quốc hiện đang bị chính phủ liên bang xem xét do lo ngại về “quyền lực mềm” của Bắc Kinh.

 

 

 

Ngoại trưởng Marise Payne hồi tháng trước cảnh báo chính phủ sẽ đưa ra “các quyết định tiếp theo” sau khi bà sử dụng quyền phủ quyết mới để huỷ bỏ thoả thuận Vành đai và Con đường giữa Victoria với Trung Quốc, cũng như hai thoả thuận khác do tiểu bang ký kết với Iran và Syria.

 

 

Một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao và Thương mại cho biết Thượng nghị sĩ Payne sẽ đưa ra quyết định của mình “dựa trên từng trường hợp cụ thể”, nhưng 13 trường đại học dự kiến sẽ đệ trình các thoả thuận của họ lên Bộ trước ngày 10/6.

 

 

Phát ngôn viên này cho biết “Các trường đại học được yêu cầu khai báo tất cả các thỏa thuận hiện có với các chính phủ nước ngoài nằm trong phạm vi của chương trình, bao gồm cả những nơi liên quan đến các Học viện Khổng Tử”.

 

 

Bà Elaine Pearson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc, nói với tờ Sydney Morning Herald rằng sự hiện diện của các Học viện Khổng Tử trong khuôn viên trường đại học Úc là “vô cùng có vấn đề” và ủng hộ việc chính phủ đóng cửa các trung tâm này.

 

 

 

Ít nhất bốn trường đại học, bao gồm Đại học Sydney, Đại học Victoria, Đại học Queensland và Đại học Western Australia, đã đệ trình các thoả thuận của họ cho Bộ xem xét.

 

Một trung tâm mang tên Viện Khổng Tử Y học Trung Quốc thuộc Đại học RMIT sẽ đóng cửa trong năm nay, do thiếu hụt ngân sách vì COVID-19.

 

 

 

Các trường đại học khác, bao gồm Đại học Melbourne, La Trobe và UNSW, cho biết họ dự định sẽ đệ trình các thỏa thuận trước hạn chót vào tháng Sáu.

 

 

 

Học viện Khổng Tử chủ yếu giảng dạy các khóa học không cấp bằng về văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, đồng thời tổ chức các sự kiện về các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế.

 

 

 

Đại học Melbourne, vốn đàm phán lại hợp đồng vào năm ngoái, cho biết Học viện Khổng Tử của họ được tài trợ một phần bởi Đại học Nam Kinh, nhưng khẳng định sự “sự độc lập và tự chủ” của mình đối với các hoạt động của trung tâm.

 

 

 

Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo của Quốc hội, Thượng nghị sĩ James Paterson, nói rằng các trường đại học cần phải suy nghĩ về vai trò của họ trong việc vận hành các Học viện Khổng Tử.

 

 

Ông nói “Các trường đại học nên xem xét cẩn thận việc hợp tác với một tổ chức được tài trợ bởi một chính phủ độc tài nước ngoài tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhằm mục đích thúc đẩy quyền lực mềm, liệu điều đó có phù hợp với các giá trị của họ hay không”.