Một đám đông kỷ lục đi bộ qua Cầu cảng Sydney- Sydney Harbour Bridge  trong buổi 'Walk for Reconciliation' ( 'Cuộc Bộ Hành Hòa Giải') như một phần của buổi lễ Corroboree 2000. Nguồn: NEG

 

 

Đã 2 thập kỷ trôi qua kể từ sự kiện người dân Úc tuần hành qua cầu cảng Sydney để thể hiện sự ủng hộ và tôn trọng đối với người Thổ dân và người dân đảo Torres Strait. Đến nay dù đã có nhiều cải thiện nhưng đâu đó trong cộng đồng Thổ dân Úc vẫn còn nhiều thiệt thòi.

 

Năm 2000, lá cờ Thổ dân đã được tung bay trên cầu cảng Sydney. Vào thời khắc lịch sử đó, lộ trình hòa hợp quốc gia và một tài liệu có tên gọi là ‘Tuyên bố của nước Úc về vấn đề hòa hợp’ đã được bàn giao cho các nhà lãnh đạo quốc gia.

 

 

Giám đốc Tổ chức Hòa hợp nước Úc, bà Karen Mundine nói chính sự kiện này đã gợi cảm hứng cho người Úc tiếp tục đấu tranh vì một tương lai tốt đẹp hơn.

 

“Nếu tôi nhớ không lầm thì trong buổi sáng hôm đó trời đầy gió và lạnh giá, gần 250,000 người Úc đã tuần hành qua cầu cảng Sydney với mục đích ủng hộ sự hòa hợp. Tôi cho rằng đây là thời khắc thay đổi, mở ra một thế kỷ mới, và đó cũng là điều chúng tôi mong mỏi ở người Úc.”

 

Và sau 20 năm ngày diễn ra sự kiện đó, chủ đề của tuần lễ Hòa hợp năm nay sẽ nhìn lại việc nước Úc đã thực hiện như thế nào để trở thành một quốc gia công bằng và bình đẳng.

 

Nhà nghiên cứu tại Đại học Canberra Summer May Finlay cho rằng tuy người Thổ dân và người đảo Torres vẫn chưa được quan tâm đầy đủ nhưng bà đồng ý nước Úc đã có nhiều nỗ lực.

 

“Nhìn lại thì đó đúng là thời khắc thực sự gây chấn động. Đó là thời khắc biểu tượng thể hiện rằng nước Úc thực sự muốn tạo ra sự khác biệt và thực sự muốn nhìn nhận lịch sử và văn hóa người Thổ dân và đảo Torrres. Và tôi cho rằng điều này thể hiện việc quốc gia này có thể xích lại gần nhau để ủng hộ người Thổ dân và đảo Torres.”

 

Sự kiện Corroboree 2000 cũng diễn ra trong năm đó, sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo người Thổ dân và người Úc tề tựu để tôn vinh những cam kết hòa hợp.

 

Thượng nghị sĩ đảng Lao động Pat Dodson ở Tây Úc trả lời trên kênh NITV nói ông biết người dân ở khắp mọi miền đất nước đều sẵn sàng lên tiếng vì những điều bất công, rất sẵn sàng để xây dựng hiệp ước, nhưng để đạt tới sự hòa hợp, cần phải có sự can thiệp từ bên ngoài như Liên Hiệp Quốc.

 

Tuy nhiên ông vẫn quan ngại những ý kiến của người Thổ dân trình lên Quốc hội sẽ không có giá trị pháp lý và ông cáo buộc người Thổ dân cũng thường bị từ chối giúp đỡ.

 

“Đây được gọi là phân biệt chủng tộc, là sự thiếu hiểu biết, là sự sợ hãi. Có thể họ nghĩ rằng sự hòa hợp sẽ làm suy yếu tổ chức xã hội. Nhưng tổ chức xã hội của chúng ta không phải như người anh cả Anh quốc, mà xã hội chúng ta là một xã hội đa dạng và rất giàu bản sắc.”

 

Trái lại, theo lời dân biểu đảng Lao động người Thổ dân Linda Burney thì thực sự đã có những cải thiện và bà không đồng tình với những nhận định có sự phân biệt sắc tộc trong Quốc hội

 

“Tôi nhận thấy rất rõ trong đảng tôi có nhiều sự tôn trọng, rất nhiều người ghi chép những gì chúng tôi đang nói và họ hiểu điều đó.”

 

Tuần lễ Hòa hợp năm nay sẽ được đánh dấu bằng những sự kiện và các buổi nói chuyện được tổ chức qua mạng internet.

 

Chủ tịch của Tổ chức Y tế được Cộng đồng Thổ dân quốc gia, bà Donella Mills nói những người ủng hộ sự hòa hợp vẫn tiếp tục đấu tranh cho cùng mục đích của 20 năm trước.

 

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi sự ủng hộ cho dự án Uluru Statement from the heart, để tiếng nói của người Thổ dân được nhìn nhận tại Quốc hội. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm một hiệp ước và sự thật. Có thể chỉ là những thay đổi nhỏ trong quá trình thực hiện nhưng đó là nền tảng để chúng tôi có thể tiếp tục kêu gọi việc tôn trọng tiếng nói của người Thổ dân.”

 

Tiến sĩ Janine Mohamed đến từ Viện Lowitja, tổ chức nghiên cứu sức khỏe người Thổ dân thì nói việc hòa hợp là cơ hội để thiết lập lại mối quan hệ giữa nước Úc với những công dân Úc đầu tiên.

 

“Vì sự hòa hợp và việc tuần hành trên cầu cảng Sydney 20 năm trước, nhiều cơ hội đã mở mà những người Thổ dân chưa từng có cơ hội tiếp cận trước đây chẳng hạn như các tập đoàn Úc. Nhưng giờ chúng ta đã thấy có cơ hội cho văn hóa và di sản người Thổ dân được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.”

 

Tuần lễ người Thổ dân NAIDOC, ban đầu được lên kế hoạch tổ chức vào tháng Bảy, đã bị hoãn lại vì những lý do liên quan đến coronavirus.

 

Tuần lễ Hòa hợp Quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 27 tháng Năm đến ngày 3 tháng Sáu.