Hình ảnh đồ họa vệ tinh của hãng Inovor trên quỹ đạo quanh Trái đất. ( Supplied: Inovor Technologies)
Nam Úc sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên đưa vệ tinh của mình vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp, với thiết kế hình hộp có "kích cỡ như hộp ngũ cốc" sẽ được phóng vào đầu năm tới.
Thủ hiến Steven Marshall cho biết Chính quyền tiểu bang Nam Úc sẽ là "một trong những chính quyền cấp tiểu bang đầu tiên trên thế giới" phóng vệ tinh của riêng mình và sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được để đưa ra các quyết định về việc sử dụng nguồn nước, chính sách liên quan đến khí hậu, khai khoáng, và quản lý tình huống khẩn cấp.
Ông Marshall nói: “Nam Úc đang bắt tay vào một sứ mệnh táo bạo với ngành công nghiệp thiết kế và chế tạo vệ tinh để cung cấp các dịch vụ bắt nguồn từ không gian.”
"Chúng tôi sẽ củng cố vị trí của mình là ngôi nhà thiên nhiên cho lĩnh vực vũ trụ ở Úc.”
"Chúng tôi còn khoảng 15 tháng cho đến khi phóng vệ tinh này, và chúng tôi sẽ tìm mọi cơ hội để có thể chia sẻ dữ liệu có được ... và cũng đang xem xét một số cơ hội thương mại."
Dự án trị giá 6,5 triệu đô-la đang được dẫn đầu bởi tập đoàn công nghiệp SmartSat CRC, có trụ sở đặt tại khu công nghệ Lot Fourteen, ở khu trung tâm thành phố Adelaide, nơi Cơ quan Vũ trụ Úc Đại Lợi (Australian Space Agency) đặt trụ sở chính.
Vệ tinh sẽ được lắp ráp và phóng trong vòng 15 tháng tới bởi các nhà phát triển vệ tinh và công nghệ dữ liệu Inovor và Myriota.
Giám đốc điều hành của SmartSat CRC, Giáo sư Andy Koronios, cho biết công nghệ này có tiềm năng "thay đổi cuộc chơi".
Ông nói: “SmartSat rất vui mừng được trở thành một phần của sáng kiến đột phá này.
"Chúng tôi có đặc ân ... được cung cấp một vệ tinh có kích thước bằng một hộp ngũ cốc.
"Bạn có thể nói, 'Chà, điều đó có vẻ không có nhiều ý nghĩa gì lắm', nhưng thực ra, nó có khả năng tác động rất cao.
"Không chỉ trong việc cung cấp sự tăng trưởng cho doanh nghiệp ... mà còn để thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương để họ thực sự có thể trở thành người chơi toàn cầu và bán công nghệ của họ cho các nước khác thay vì phải đi mua của họ."
Mang lại lợi ích trong việc quản lý phòng chống cháy rừng.
Đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Myriota, Tiến sĩ Alex Grant, cho biết dữ liệu thu thập được từ sứ mệnh có thể có ý nghĩa đối với nhiều lĩnh vực.
Ông nói: “Vệ tinh này sẽ là sự đổi mới của Úc nhằm giải quyết những thách thức cụ thể của Úc về chất lượng nguồn nước và an ninh nguồn nước, khí hậu, thời tiết, cơ sở hạ tầng năng lượng, tài nguyên, khai thác mỏ và các vùng biển rộng lớn của chúng ta.”
"Ví dụ: nhận dữ liệu về mức nước trong các bể chứa nước chữa cháy có thể được phân phối ngay trên toàn quốc, và xem xét tình trạng diễn biến cơn hỏa hoạn từ xa để chữa cháy.”
"Có vô số cơ hội cho sự đổi mới được xây dựng dựa trên kết nối dữ liệu và khả năng chụp ảnh Trái đất mà vệ tinh này sẽ cung cấp."
Vai trò của tiểu bang Nam Úc trong không gian đã tăng tốc trong những tháng gần đây, với việc tiểu bang này gần đây đã tổ chức sự kiện trở về trái đất của một phi thuyền không gian chứa các mẫu đất đá lần đầu tiên lấy được từ một tiểu hành tinh.
Tiến sĩ Grant cho biết việc phát triển các công nghệ vệ tinh mới tại địa phương cũng sẽ cung cấp cho Úc quyền tự chủ lớn hơn đối với công nghệ truyền tải thông tin nhạy cảm.
Ông nói: “Về cơ sở hạ tầng không gian, mà tất cả chúng ta đều cần hàng ngày, chúng ta phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng được xây dựng ở nước ngoài để cung cấp các dịch vụ đó và đại dịch hiện tại đã thực sự làm nổi bật sự mong manh của các chuỗi cung ứng toàn cầu đó.
"Vệ tinh này sẽ được xây dựng từ đầu để có tính bảo mật cao và tính riêng tư cao.
"Điều này thực sự thúc đẩy tiểu bang Nam Úc trở thành người đi đầu trong công nghệ vũ trụ."
Người sáng lập và giám đốc điều hành công ty kỹ nghệ vũ trụ Inovor Technologies, Tiến sĩ Matthew Tetlow, cho biết sứ mệnh vệ tinh cũng sẽ tạo ra việc làm và "thúc đẩy đầu tư vào chuỗi cung ứng".
Inovor đã tăng từ 15 nhân viên lên 45 nhân viên trong hai năm qua, và có kế hoạch tuyển dụng thêm 5 nhân viên nữa để làm việc cho dự án vệ tinh.
Ngày ra mắt chính xác và địa điểm phóng vệ tinh vẫn chưa được quyết định.
(Theo abc.net.au)