Dự án Vàng Đai và Con Đường (The Belt and Road) là chính sách mang dấu ấn của chủ tịch Tập Cận Bình. Nguồn: AAP
Chính quyền Daniel Andrews đã không tham vấn Bộ Ngoại giao và Thương mại trước khi ký thoả thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc hồi năm ngoái, khiến một số quan chức cao cấp lo ngại điều này có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.
Theo tờ Sydney Morning Herald, Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) đã từng cảnh báo chính phủ Victoria rằng, chính sách của Úc là không ký vào thoả thuận Vành đai và Con đường (BRI).
-Chính phủ Victoria đã không cho Bộ Ngoại giao và Thương mại xem bản dự thảo thoả thuận Vành đai và Con đường với Trung Quốc.
-Cựu phó giám đốc chiến dịch tranh cử của đảng Lao động tại Victoria nói rằng thoả thuận này đã giúp chính phủ Andrews kiếm phiếu tại ba khu vực có đông người Úc gốc Hoa.
-Các công ty Victoria có nguy cơ đóng góp trực tiếp vào chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh trong khu vực Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, một phát ngôn nhân của DFAT cho biết chính phủ liên bang đã không được hỏi ý kiến trước khi Victoria ký thoả thuận với Trung Quốc vào năm 2019.
ông nói “Victoria chỉ thông báo với Bộ Ngoại giao về thoả thuận này vào ngày mà nó được ký kết và công bố”.
Thỏa thuận này đã chính thức gắn Victoria với BRI, chính sách đối ngoại chủ chốt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới, trực tiếp mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc.
Bắc Kinh đã bị một số chính phủ trong đó có Hoa Kỳ chỉ trích và gọi đây là “bẫy nợ”, tức gán những khoản nợ không bền vững cho các nước đang phát triển, với ý định đổi lại những nhượng bộ về kinh tế hoặc chính trị.
Hiện có nhiều mối quan tâm rộng rãi trong chính phủ liên bang rằng các doanh nghiệp Victoria có thể hợp tác với các công ty Trung Quốc trong các dự án hạ tầng cơ sở ở Thái Bình Dương, khiến các đảo quốc này càng lún sâu vào nợ nần.
Theo thoả thuận, các công ty Trung Quốc sẽ được khuyến khích lập chi nhánh ở Victoria và được hỗ trợ đấu thầu các dự án, trong khi các công ty Victoria sẽ được tạo điều kiện đấu thầu hợp đồng ở các nước bên thứ ba nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường.
Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc, ông Peter Jennings, cho biết các công ty Victoria có nguy cơ đóng góp trực tiếp vào các “bẫy nợ” của Bắc Kinh trong khu vực Thái Bình Dương.
Ông Jennings nói rằng hành động của chính phủ Andrews “liều lĩnh một cách trắng trợn và làm suy yếu vị thế chính sách đối ngoại của lưỡng đảng Úc”.
Ông nói “Ông Daniel Andrew dường như quyết tâm phớt lờ lãnh đạo liên bang trong lĩnh vực này, vốn được hiến pháp ủy quyền. Thông qua việc không tham vấn liên bang, ông ấy đã chọn cách phớt lờ các vấn đề an ninh quốc gia Úc,”
“Về cơ bản Vàng đai và Con đường là một chiến lược chính trị được thiết kế để đẩy mạnh các mục tiêu và lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
“Một trong những mục tiêu đó là gia tăng sự phụ thuộc của các quốc gia đang phát triển vào Trung Quốc. Mục tiêu này đi ngược lại lợi ích của Úc và chống lại lợi ích của các nước đang phát triển. Các công ty Úc nên tránh bị lôi kéo vào chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông John Blaxland, Giáo sư về an ninh và tình báo quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói rằng việc chính phủ Victoria không đưa bản dự thảo thoả thuận cho DFAT xem trước là một quyết định “khá bất thường và gần như bất lợi”.
“Victoria có quyền vận hành theo cách họ mong muốn trong khuôn khổ, nhưng cách tiếp cận này hoàn toàn không mang tính xây dựng”.
Thủ tướng Scott Morrison hôm Chủ nhật đã chỉ trích thỏa thuận này, nói rằng Victoria không bao giờ nên ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Thủ tướng Morrison nói “Tôi tôn trọng quyền tài phán của họ khi liên quan đến các vấn đề mà họ chịu trách nhiệm, và các quốc gia luôn có thông lệ tôn trọng và công nhận vai trò của chính phủ liên bang trong việc thiết lập chính sách đối ngoại”.
Hôm thứ Hai, ông Kosmos Samaras, cựu phó giám đốc chiến dịch tranh cử của đảng Lao động tại Victoria, nói rằng thoả thuận Vành đai và Con đường đã giúp chính phủ Andrews giành được phiếu bầu trong ba khu vực vốn do Liên đảng nắm giữ, với số lượng lớn cử tri người Úc gốc Hoa – đó là Box Hill, Burwood và Mount Waverley.