Úc sẽ xem xét lại hợp đồng cho thuê cảng thương mại và quân sự Darwin thời hạn 99 năm của một công ty Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

 

 

Hãng Reuters ngày 3-5 đưa tin Úc sẽ xem xét lại hợp đồng cho thuê cảng thương mại và quân sự thời hạn 99 năm ở phía bắc nước này của một tập đoàn Trung Quốc.

 

 

 

Động thái này được cho có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra.

 

 

 

 

Sau BRI, Úc xem xét hợp đồng thuê cảng 99 năm của công ty Trung Quốc. Ảnh: SCMP

 

 

 

 

 

 

Theo tờ The Sydney Morning Herald, các quan chức quốc phòng Úc đang xem xét liệu tập đoàn Landbridge, thuộc sở hữu của tỉ phú Trung Quốc Ye Cheng, có thể tiếp tục duy trì quyền sở hữu đối với cảng Darwin, ở thành phố Darwin, thủ phủ của Vùng Lãnh Thổ Bắc Úc, hay không sau những lo ngại về lý do an ninh quốc gia.

 

 

 

Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Peter Dutton, cho biết Ủy ban An ninh Quốc gia Úc đã yêu cầu Bộ quốc phòng báo cáo về hợp đồng cho thuê cảng Darwin, đồng thời ông Dutton nói rằng việc đánh giá của Bộ Quốc phòng đang được tiến hành.

 

 

Bộ quốc phòng Úc, các văn phòng của Landbridge tại Úc và đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

 

 

Theo Reuters, tập đoàn Landbridge, được cho là có quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc, hồi năm 2015 đã thắng thầu và giành được quyền vận hành cảng Darwin trong một hợp đồng trị giá 506 triệu Úc kim.

 

 

Quyết định này đã khiến Mỹ phải chú ý vì cảng Darwin có vị trí ở sườn phía nam của khu vực Washington có các hoạt động ở Thái Bình Dương.

 

 

Theo Reuters, thông tin về việc Úc xem xét lại hợp đồng được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Úc Scott Morrison tuần trước cho biết sẽ có hành động về vấn đề quyền khai thác cảng Darwin nếu có lo ngại về an ninh quốc gia.

 

 

Trước đó, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, hôm 21-4, thông báo Canberra đã chính thức rút khỏi bốn thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc mà bà cho là “không phù hợp hoặc gây bất lợi cho chính sách đối ngoại của Úc”.

 

 

 

Hai trong số bốn thỏa thuận bị hủy là một bản ghi nhớ không ràng buộc giữa chính phủ hai bên ký kết năm 2018 và một thỏa thuận do chính quyền bang Victoria của Úc ký riêng với Bắc Kinh năm 2019.

 

 

 

Bà Payne nhấn mạnh “Việc hủy bỏ các thỏa thuận BRI hoàn toàn tập trung vì lợi ích quốc gia của Úc và nhằm đảm bảo tính nhất quán trong quan hệ đối ngoại của chúng tôi trên toàn nước Úc. Chúng tôi chắc chắn không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào”.

 

 

 

Đáp lại, Trung Quốc ngày 22-4 cho biết sẽ "đáp trả một cách kiên quyết và mạnh mẽ" nếu Úc không đảo ngược quyết định hủy bỏ hai thỏa thuận của bang Victoria liên quan BRI.

 

 

Tháng 12-2020, Quốc hội Úc đã ban hành đạo luật Quan hệ Đối ngoại, cho phép chính phủ hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận giữa chính quyền các bang và nước ngoài, nếu bị xem là “không phù hợp với chính sách đối ngoại liên bang”.

 

 

Sáng kiến BRI của Trung Quốc - kế hoạch nhằm thúc đẩy liên kết giữa các quốc gia và thương mại thông qua việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng – bị chỉ trích là một công cụ có thể khiến các quốc gia tham gia sáng kiến rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc này.

 

 

Quyết định của Canberra được công bố trong bối cảnh quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang "tuột dốc", nhất là các căng thẳng thương mại và vấn đề tranh giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.