Những tòa nhà di sản nằm trên đường Sydney Road, Brunswick. Ảnh: Wikipedia

 

 

 

 

 

Một hội đồng thành phố ở Melbourne, Victoria đang cân nhắc đổi tên, sau khi phát hiện tên gọi “Moreland” có liên quan đến một đồn điền nô lệ ở Jamaica.

 

 

Các chủ đất truyền thống và các đại diện cộng đồng khác đã cung cấp bằng chứng cho Hội đồng thành phố Moreland, cho thấy tên gọi này bắt nguồn từ vùng đất nằm giữa Moonee Ponds Creek và Sydney Road mà ông Farquhar McCrae mua lại vào năm 1839.

 

 

Ông ấy đã đặt tên vùng đất là “Moreland” theo tên một đồn điền nô lệ ở Jamaica do cha và ông nội của ông quản lý từ năm 1770 đến 1796, nơi sản xuất đường, rượu rum và buôn bán nô lệ với 500 đến 700 người bị bắt làm nô lệ ở đó mỗi năm.

 

 

Vào năm 1994, Thành phố Brunswick, Thành phố Moreland và một phần của Broadmeadows đã được hợp nhất, và chính phủ Victoria đã đặt tên cho khu vực chính quyền địa phương mới là Moreland.

 

 

Thị trưởng Mark Riley cho biết hội đồng “rất sửng sốt và vô cùng đau buồn” trước phát hiện này.

 

 

Ông nói “Lịch sử đằng sau việc đặt tên cho khu vực này gây đau khổ, khó chịu và rất sai lầm. Nó cần phải được giải quyết.”

 

“Moreland kiên quyết chống lại phân biệt chủng tộc, chúng tôi là một cộng đồng đa dạng đầy tự hào. Hội đồng cam kết làm việc với người Wurundjeri và chúng tôi thực hiện yêu cầu rất nghiêm túc.”

 

 

Một cái tên mới sẽ được chọn sau quá trình tham vấn với cộng đồng địa phương, nhưng thay đổi cuối cùng sẽ do chính phủ Victoria quyết định.

 

 

Ở giai đoạn này, hội đồng sẽ không xem xét việc đổi tên bất kỳ đối tượng địa lý nào khác như trường học hoặc đường xá.

 

 

Vào tháng Mười, hội đồng thành phố Moreland đã ký một tuyên bố cam kết với người Wurundjeri Woi-wurrung và các cộng đồng Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres nhằm đề ra tầm nhìn về sự hòa giải.

 

 

Báo cáo về vấn đề này sẽ được xem xét trong cuộc họp hội đồng tiếp theo.

 

 

Bà Zoe Laidlaw, giáo sư lịch sử tại Đại học Melbourne và là chuyên gia về chủ nghĩa thực dân và đế quốc Anh, cho biết chế độ nô lệ phổ biến ở Jamaica vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, với khoảng 300,000 người bị bắt làm nô lệ ở đó vào cuối thế kỷ 18.

 

 

Bà cho biết Anh đã dành ra 20 triệu bảng Anh, “một khoản tiền khổng lồ vào thời điểm đó”, để bồi thường cho những người lao động bị bắt làm nô lệ và chủ sở hữu của họ sau khi nước này bãi bỏ chế độ nô lệ.

 

 

Giáo sư Laidlaw cho biết mối liên hệ giữa Moreland với đồn điền ở Jamaica không phải là một tiết lộ mới. Hồi năm ngoái, bà đã chụp ảnh một tấm bảng trên đường Moreland, ghi nhận mối liên hệ của nó với bất động sản của ông nội McCrae ở Jamaica.