Nhiều người vẫn đeo đeo khẩu trang ở thành phố Melbourne khi ra khỏi này. Nguồn: AAP Image_AP Photo_Asanka Brendon Ratnayake
Các nhà dịch tễ học khuyên mọi người ở Sydney và Melbourne nên tiếp tục đeo khẩu trang ít nhất 12 tháng nữa, nhất là khi sử dụng phương tiện di chuyển công cộng và tại những nơi có nhiều rủi ro.
Công chúng ở Melbourne mỗi khi ra đường đều phải đeo khẩu trang từ vài tháng nay để ngăn ngừa Covid lây lan.
Nhưng hiện không có ca nhiễm nào được ghi nhận trong nhiều ngày qua, công chúng không muốn đeo khẩu trang nữa.
Nhà dịch tễ học, Giáo sư Michael Toole, từ viện nghiên cứu Burnet Institute ở Melbourne khuyên mọi người ở Sydney và Melbourne nên tiếp tục đeo khẩu trang, nhất là khi sử dụng phương tiện di chuyển công cộng.
"Tôi nghĩ sẽ khó thuyết phục những người ở Hobart, Perth hay Adelaide đeo khẩu trang khi từ lâu đã không có ca nhiễm nào tại những nơi đó. Nhưng tôi nghĩ vẫn nên bắt buộc đeo khẩu trang tại Sydney và Melbourne, nhất là khi mọi người bắt đầu được đi xuyên tiểu bang."
Giáo sư Toole nói tiểu bang NSW nên từ từ áp dụng việc bắt buộc đeo khẩu trang, bắt đầu là trên các phương tiện di chuyển công cộng, và ở những nơi nào không thể giữ khoảng cách an toàn với những người khác.
"Tôi nghĩ tại NSW thay vì áp dụng ngay như ở Melbourne buộc dân chúng lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, tôi nghĩ nên bắt đầu trên phương tiện di chuyển công cộng, rồi trong các khu mua sắm có đông người. Mỗi khi tôi lên Sydney, và tôi lên đó rất thường, lúc nào tôi cũng đeo khẩu trang."
Người đứng đầu viện nghiên cứu Burnet Institute, Giáo sư Professor Brendan Crabb khuyên mọi người nên tiếp tục đeo khẩu trang trong ít nhất 1 năm nữa bởi vì chúng là một loại vaccine thường trực ngăn ngừa virút rất hữu hiệu.
Hồi tháng sáu, tạp chí y học danh tiếng The Lancet đăng tải kết quả tổng hợp từ 172 cuộc khảo cứu thực hiện tại 16 quốc gia cho thấy khẩu trang giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đến 90 phần trăm.
Tuy nhiên nhà dịch tễ học Catherine Bennett của đại học Deakin University lại nói công chúng ở Melbourne chỉ cần bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện di chuyển công cộng và những nơi có nhiều rủi ro như rạp hát.
"Những nơi không gian vây kín như rạp hát, trên xe buýt xe lửa, là những nơi bạn cần đeo khẩu trang. Vì vậy lúc nào cũng mang theo bên người, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc không cần đeo, ví dụ khi ở ngoài trời, hay lúc chỉ ở gần người nhà mà thôi, nhưng nên đeo tại những nơi có nhiều rủi ro."
Giáo sư Bennett nói cần giải thích cho công chúng hiểu khi nào và tại sao cần đeo khẩu trang khi mà không còn các ca nhiễm trong cộng đồng.
"Chúng ta cần tiếp tục đeo khẩu trang tại những nơi có nhiều rủi ro, nhưng giải thích cho công chúng hiểu, thay vì bắt họ luôn luôn đeo khẩu trang bởi vì người ta cũng thấy số ca nhiễm gần như không còn nữa, và có những nơi không có rủi ro kia mà."
NSW không ghi nhận ca nhiễm nào trong hai ngày qua. Thủ hiến Gladys Berejiklian kêu gọi dân chúng tiếp tục làm theo lời khuyên y tế.
"Nhất là ở các khu vực tây nam và tây bắc của Sydney, chúng tôi yêu cầu mọi người lắng nghe lời khuyên y tế và đi làm xét nghiệm nay nếu có triệu chứng cho dù nhẹ đến đâu. Điều đó vô cùng quan trọng khi mà biên giới giữa Victoria và NSW dự kiến mở trở lại trong hai tuần nữa."
Người ta cũng hy vọng biên giới Queensland mở cửa lại trước Giáng Sinh.
Giáo sư Bennett nhắc nhở chính phủ liên bang phải bảo đảm hệ thống phản ứng nhanh toàn quốc phải hoạt động hữu hiệu một khi các biên giới mở cửa trở lại.
Bà nói do hạ tầng cơ sở của các tiểu bang có thể khác nhau cho nên cũng không đơn giản để cho hệ thống phản ứng nhanh có thể hoạt động hữu hiệu và đồng bộ.
"Cần như vậy để các tiểu bang có thể nhanh chóng trao đổi thông tin theo dõi các ca nhiễm Covid nếu có. Tôi không chắc chúng ta có thể làm được như vậy không, nhưng đó là điều kiện lý tưởng để kiểm soát dịch bệnh."