SYDNEY, AUSTRALIA - 20 tháng 9: Các cô gái trẻ biểu tình ở The Domain trước cuộc biểu tình tấn công khí hậu vào ngày 20 tháng 9 năm 2019 tại Sydney. Nguồn: Hình ảnh Jenny Evans / Getty
AUSTRALIA - Hầu như tuần nào người Úc cũng xuống đường, để lên tiếng phản đối những vấn đề quan trọng. Việc biểu tình vốn không phải là bất hợp pháp, nhưng những người biểu tình đôi khi có thể vượt qua ranh giới của pháp luật, bằng hành vi cực đoan hoặc phản xã hội. Nếu bạn biểu tình, nguy cơ gặp rắc rối phụ thuộc vào địa điểm và cách bạn cư xử.
Nhiều người tin rằng người Úc có quyền biểu tình, thế nhưng quyền này không được nêu rõ ràng trong Hiến pháp.
Ông Luke McNamara là Giáo sư tại Khoa Luật và Tư pháp tại Đại học NSW.
Ông nói theo Hiến pháp, chúng ta có quyền trao đổi về các vấn đề chính trị.
Ông nói "Có một số ví dụ về sự công nhận rõ ràng quyền hội họp ôn hòa, ở một số ít khu vực pháp lý có Đạo luật Nhân quyền như Victoria, ACT và Queensland, nhưng đối với hầu hết các vùng trong nước và trên toàn quốc, không có nơi cụ thể nào nói rằng bạn có quyền biểu tình, tuy nhiên một phần của truyền thống thông luật của chúng ta là chúng ta chấp nhận ý tưởng về quyền phản đối”.
Luật biểu tình khác nhau trên khắp nước Úc và chúng có thể rộng rãi và mơ hồ.
Ở Queensland và Tây Úc, khai thác mỏ là một ngành công nghiệp khổng lồ thu hút rất nhiều sự giám sát của công chúng, vì vậy các tiểu bang này có luật chống biểu tình mạnh mẽ hơn.
Bạn không thể bị buộc tội tham dự một cuộc biểu tình, tuy nhiên có thể bị buộc tội vì hành vi không thể chấp nhận được khi phản đối
TOPSHOT - Người biểu tình, đi trên đường ở khu thương mại trung tâm Sydney, phản đối chính sách cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 4 tháng 2 năm 2017. Nguồn: AFP / SAEED KHAN/AFP via Getty Images
Hành vi nào được xem là không chấp nhận được?
Luke McNamara nói "Làm hại người khác, phá hoại tài sản là điều không thể chấp nhận được".
"Về những gì có thể chấp nhận được, đó thực sự là một vấn đề về mức độ".
"Hành vi này thực sự được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể, vì vậy ví dụ như khả năng chấp nhận của một hoạt động phản đối cụ thể, cho dù đó là một cuộc tuần hành hay ngồi xuống tọa kháng hoặc khóa mình vào một nơi nào, hay bất cứ điều gì có thể xảy ra, điều đó sẽ được cảnh sát có mặt tại chỗ đánh giá”.
Được biết hành vi có thể chấp nhận được, mở rộng đến những gì bạn thực hiện để phản đối.
Chuyên viên vận động thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, là Nikita White, nói rằng bạn không muốn cảnh sát tìm thấy thứ gì đó mà bạn sở hữu có thể gây hại.
"Bạn có thể mang biểu ngữ và áp phích để phản đối".
"Bạn có thể lấy các tác phẩm nghệ thuật có thể dùng để phản đối, nhưng nên cẩn thận với bất cứ thứ gì mang theo bên mình vì có thể được coi là vũ khí".
Gián đoạn giao thông khi biểu tình
Hầu hết mọi người đều trải qua sự gián đoạn quen thuộc, trong một cuộc tuần hành trên đường phố. Đó là một trong những điểm áp lực lớn nhất đối với các chính phủ và có thể thúc đẩy việc đưa ra các hạn chế mới.
Giáo sư McNamara tin rằng, chúng ta phải chấp nhận sự gián đoạn nào đó trong cuộc sống của mình, nếu chúng ta cam kết có quyền biểu tình.
Giáo sư McNamra nói "Công bằng mà nói thì sự ngưng trệ là điều cố hữu trong hoạt động biểu tình".
"Chúng tôi đã thấy rất nhiều sự kích động trong những năm gần đây bởi các chính phủ và một số bên liên quan khác cho rằng, việc người biểu tình gây rối là không phù hợp, nhưng nếu bạn nghĩ về điều đó, toàn bộ mục đích của một cuộc biểu tình công khai là thu hút sự chú ý, để khuyến khích mọi người dừng lại, phản ánh và lắng nghe thông điệp đang được truyền đi”.
Đây chắc chắn là một vấn đề gây chia rẽ và mỗi khu vực pháp lý đều áp dụng các hình phạt riêng rẻ, đối với những người gây ra sự gián đoạn lớn lao.
Tuy nhiên trên khắp nước Úc, việc biểu tình tại những địa điểm kinh doanh quan trọng như hải cảng, các con đường lớn hoặc khu vực khai thác gỗ, hay ngăn cản mọi người đi làm, có thể phải tuân theo luật chống biểu tình.
MELBOURNE, AUSTRALIA - NGÀY 21 THÁNG 8: Một người đàn ông cầm biểu ngữ ghi "Tự do" trên đỉnh một trạm xe điện trong cuộc biểu tình chống lệnh phong tỏa vào ngày 21 tháng 8 năm 2021 tại Melbourne, Australia. Tín dụng: Hình ảnh Getty
Tiến sĩ Sarah Moulds, Giáo sư Luật tại Đại học Nam Úc, nói rằng trong những trường hợp nghiêm trọng bạn sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc, bao gồm cả án tù lên tới 2 năm.
"Bạn không nhất thiết phải có ý định gây khó khăn cho người khác, không cần phải dự đoán rằng mọi người sẽ đi làm muộn, hoặc thực sự bị gián đoạn nghiêm trọng, bạn chỉ cần làm điều đó và có thể bị bắt".
"Nhưng trên thực tế, những luật này chưa được sử dụng nhiều".
"Khi chúng được sử dụng, nó được dùng trong những trường hợp nghiêm trọng hơn ví dụ như ở Queensland, nơi đã có trường hợp người ta bị truy tố, khi họ tự khóa mình vào một cây cầu hoặc trên đường”.
Được biết tiểu bang Nam Úc hiện áp dụng mức phạt nặng nhất đối với hành vi cản trở nơi công cộng, trong đó người phạm tội có thể phải đối mặt với án tù 3 tháng.
Ngoài tội cản trở, các cáo buộc phổ biến ở Úc còn bao gồm xâm phạm trái phép, phản đối khi cải trang, cản trở nhân viên cấp cứu, sử dụng ngôn ngữ đe dọa hoặc xúc phạm và làm hư hại tài sản.
Tuy nhiên trên thực tế, chỉ những người biểu tình có hành vi chống đối xã hội quá đáng mới bị bắt giữ, bà White nói "Hầu hết những người bị bắt đều tham gia vào hoạt động bất tuân dân sự, tức là ai đó cố tình vi phạm pháp luật như một phần của cuộc biểu tình".
"Chẳng hạn như họ có thể tự khóa hay nhốt mình vào một tòa nhà, có thể giăng biểu ngữ trên cầu, hoặc thứ gì đó không mang tính bạo lực, nhưng lại vi phạm pháp luật trong cuộc biểu tình”.
Tiến sĩ Moulds cho biết, Trung tâm Luật Nhân quyền đã báo cáo có 34 Dự luật phản đối, hoặc nỗ lực thay đổi luật trong 20 năm qua, trong đó 26 dự luật đã được thông qua.
Tiến sĩ Moulds nói "Hầu hết trong số 26 luật đã được thông qua đều khiến việc biểu tình trở nên khó khăn hơn, do đó, các hình phạt đã tăng lên trên khắp đất nước".
"Tôi nghĩ về tổng thể, bạn có thể nói rằng có một xu hướng hình sự hóa các khía cạnh của cuộc biểu tình".
"Điều chúng tôi thấy ở hầu hết các nơi ở Úc, là loại hành vi mà họ đang hình sự hóa, là hành vi xảy ra ở một địa điểm nhất định”.
Xin phép tổ chức biểu tình
Một phần thiết yếu của cuộc biểu tình ở Úc là phải có được sự chấp thuận chính thức.
Nếu dự định tổ chức một cuộc tụ họp công cộng lớn, bạn có thể xin phép bằng cách viết thư cho cảnh sát hoặc chính quyền địa phương.
Giáo sư McNamara giải thích: “Sau đó, bạn được miễn một số quyền lực mà cảnh sát có thể sử dụng để ngăn chặn cuộc biểu tình của bạn”.
"Ví dụ, việc tắc nghẽn giao thông có thể được cho phép trong một khoảng thời gian, nếu đó là một cuộc biểu tình được phê duyệt và các đường phố đã bị chặn vì mục đích đó, hoặc cuộc tuần hành đã được giám sát, đại loại những thứ như vậy”.
Trong khi đó một cuộc biểu tình được cho phép, giúp bạn tin tưởng rằng cảnh sát sẽ không can thiệp hoặc giải tán đám đông.
Bà Nikita White nói rằng, cảnh sát vẫn có thể can thiệp tại một cuộc biểu tình đã được chấp thuận.
"Nếu định tham gia một cuộc biểu tình ở Úc, hy vọng bạn sẽ được cảnh sát bảo vệ".
"Đó là vai trò của họ trong cuộc biểu tình: giúp bạn phản đối và cho phép bạn phản đối".
SYDNEY, ngày 6 tháng Năm: Những người hoạt động vì khí hậu diễu hành qua khu trung tâm thành phố trong 'Cuộc đình công của học đường vì khí hậu' vào ngày 06 tháng 5 năm 2022 tại Sydney, Úc. Nguồn: Hình ảnh Lisa Maree Williams / Getty
Làm gì nếu cảnh sát giam giữ?
Trong trường hợp khó xảy ra là bạn bị giam giữ, Trung tâm Pháp lý Cộng đồng có thể bảo đảm rằng, các quyền của bạn được tôn trọng.
Hầu hết các cáo buộc liên quan đến biểu tình, đều bị phạt tiền thay vì ngồi tù.
Tiến sĩ Molds cho biết, những khoản này thường không quá vài trăm đô-la.
Tiến sĩ Sarah Molds, Giáo sư Luật, Đại học Nam Úc nói “Chúng ta may mắn sống trong một xã hội nơi cảnh sát, công tố viên và thẩm phán thực sự vẫn coi trọng quyền tự do này, và do đó, chưa áp dụng những hình phạt nghiêm khắc nhất.”
Biết quyền hạn của mình
Được biết các tổ chức như Trung tâm Luật Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Hội đồng Tự do Dân sự New South Wales, sẽ cung cấp thông tin chính xác về biểu tình và luật pháp trên khắp nước Úc.