Nhiều chuyên gia nói rằng họ nghĩ rằng sẽ có rất nhiều người bị suy yếu sức khỏe tâm thần khi làn sóng bùng phát Covid-19 mới ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người Úc. Nguồn: SBS News

 

AUSTRALIA - Khi Úc ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm mỗi ngày và số ca nhập viện gia tăng, những tin tức về COVID-19 có thể khiến một số người trở nên lo âu và căng thẳng hơn mọi khi. Vậy làm thế nào để chăm sóc cho sức khoẻ tâm thần của bản thân trong giai đoạn này?

 

Giáo sư Maree Teesson, giám đốc Trung tâm Matilda, cho biết số người bị chứng lo âu và trầm cảm trên khắp nước Úc đã tăng 10% kể từ đầu đại dịch COVID-19.

 

Bà nói với SBS News “Đối với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chúng tôi thấy số lần xuất hiện các triệu chứng lo âu và trầm cảm đã gia tăng.”

“Nhưng chúng tôi cũng thấy người mới phát triển chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, mà lẽ ra điều đó đã không xảy ra nếu không có đại dịch COVID.”

 

Tiến sĩ Stephen Carbone, giám đốc điều hành và nhà sáng lập tổ chức sức khỏe tâm thần Prevention United, cho biết rất có thể xu hướng này sẽ lặp lại trong những tuần và tháng tới.

 

Ông nói “Tôi nghĩ với mỗi làn sóng mới, nó sẽ làm dấy lên sự căng thẳng và lo âu ở một số người.”

“Họ có thể nghĩ rằng, ‘Ồ, tôi nghĩ chuyện này đã qua rồi mà’, hoặc ‘Nó lại xảy ra nữa ư’, và điều đó có thể gây căng thẳng khi phải điều chỉnh liên tục.”

 

Những người dễ bị tác động về sức khoẻ tâm thần trong đại dịch bao gồm các nhân viên y tế tuyến đầu và những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong do COVID-19.

 

Giới trẻ, phụ nữ và những người làm những công việc không an toàn và nơi ở không ổn định cũng có nguy cơ cao.

 

Các chuyên gia đưa ra một số gợi ý để giúp bạn đối mặt với những lo âu và căng thẳng trong đại dịch COVID:

 

1. Nhận thức rõ cảm xúc của bản thân

Giáo sư Teesson nói  “Cảm giác lo lắng, căng thẳng và buồn bã là điều vô cùng tự nhiên vào thời điểm này, đôi khi nói về điều đó sẽ giúp ích cho bạn, bạn có khóc cũng không sao.”

“Chúng ta nên dành chút thời gian và chấp nhận rằng chúng ta có thể sẽ không làm việc hiệu quả như bình thường, và sẽ mất một thời gian để điều chỉnh theo nhịp sống mới.”

 

2. Duy trì các thói quen lành mạnh

Tiến sĩ Carbone nói  “Hãy ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, và ăn uống điều độ.”

“Có một mối liên hệ lớn giữa chế độ ăn uống và tâm trạng, cũng như việc tập thể dục, vì vậy những điều đó thực sự hữu ích.”

“Và tránh những thứ có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần của chúng ta, như uống rượu quá mức hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp.”

 

3. Giữ liên lạc với bạn bè và người thân

Giáo sư Teesson nói “Dành thời gian để gặp gỡ bạn bè, tâm sự về các vấn đề của bản thân, chia sẻ gánh nặng – đó là những điều thực sự quan trọng.”

“Đặc biệt khi nói về khẩu trang và việc giữ khoảng cách an toàn, chúng ta cũng nên hết sức tập trung vào việc duy trì kết nối xã hội.”

 

4. Ngắt kết nối với mạng xã hội

Giáo sư Teesson nói “Đôi khi hãy cho bản thân nghỉ ngơi trước khối lượng thông tin đồ sộ trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.”

“Giữ kết nối và cập nhật những gì đang xảy ra là rất quan trọng, nhưng đôi khi chúng ta cũng cần phải giải lao.”

 

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết

Ở cấp độ cơ bản, bạn có thể gọi cho đường dây trợ giúp qua điện thoại như Beyond Blue hoặc Lifeline.

 

Tiến sĩ Carbone nói “Cũng có rất nhiều chương trình trực tuyến được thiết kế để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, khi bạn chỉ bị căng thẳng nhẹ, hoặc trầm cảm và lo âu.”

“Với các chương trình như MindSpot, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ thường xuyên qua điện thoại từ một chuyên viên tâm lý hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo.”

 

Nếu tình hình nghiêm trọng hơn một chút, bạn có thể đến gặp bác sĩ gia đình.